(SGGPO).- Chiều nay 29-8, tại Quảng Nam, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN Việt Nam kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho UBND tỉnh Quảng Nam
Tại buổi công bố, ông Lê Viết Tích, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam cho biết, có thể nói trên thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã là có sâm Ngọc Linh. Qua đó, có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, chống stress, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...
Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này, thị trường tiêu thụ, mua bán sâm Ngọc Linh đang trở nên “nóng bỏng” với giá trị sử dụng được xem là vượt trội hơn so với sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Trước thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, cây sâm Ngọc Linh đã có tên trong danh mục Sách đỏ Việt Nam từ năm 1994. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm của đất nước.
Năm 2012, tỉnh Quảng Nam triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” nhưng đề tài cũng chỉ dừng lại ở việc nhân giống thành công trong ống nghiệm, chưa nghiên cứu được khả năng thích nghi của cây con nuôi cấy mô ngoài vườn ươm và vườn trồng. Mặc dù, tỉnh đã đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tiếp tục nghiên cứu, nhưng đến nay đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc tạo cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô vẫn chưa có hồi kết.
Ngày 3-12-2013, Quảng Nam nộp hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ của tỉnh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ hợp lệ theo Quyết định số 1109/QĐ-SHTT ngày 15-4-2015.
Tuy nhiên, Sở KH-CN tỉnh Kon Tum cũng đồng thời nộp Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ nên để thống nhất một "Đơn chung" cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Và ngày 16-8 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có giá trị vô thời hạn. Cơ quan quản lý CDĐL là Sở KH&CN Quảng Nam và Sở KH&CN Kon Tum.
Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được bảo hộ là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định danh tiếng và chất lượng của sản phẩm sâm củ của hai tỉnh.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN Việt Nam kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là sự ghi nhận của nhà nước đối với sản vật quý của Quảng Nam và Kon Tum - loại sâm được đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới, được sử dụng như bài thuốc cổ truyền trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ Việt Nam. Cho đến nay, sản phẩm sâm Ngọc Linh đã và đang có những đóng góp quan trọng trong đời sống của người dân và trong lĩnh vực y học của Việt Nam.
| |
Nguyên Khôi