Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm.
Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường do xả chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu trên biển; tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.
Đáng lưu ý, có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung ở khu vực ven biển; kéo theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, gây áp lực lên hạ tầng đô thị (bao gồm hệ thống xử lý chất thải) và tác động làm thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng tại các khu ven biển thời gian qua.
Báo cáo hiện trạng môi trường biển 2016-2020 cũng xác định, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ mà Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi biển ven bờ của 15 tỉnh, thành phố ven biển cùng với số liệu quan trắc xa bờ của Trung tâm Trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Quân chủng Hải quân thực hiện (356 điểm); Trung tâm Quan trắc môi trường, Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện (20 điểm) thực hiện giai đoạn 2016-2019 cho thấy chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10- MT:2015/BTNMT.
Kết quả tính toán chỉ số tai biến môi trường (RQ) giai đoạn 2015-2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị RQ đạt ở mức tốt (RQ<1). Mặc dù vậy, tại một số thời điểm, ở một vài vị trí có chỉ số RQ>1,5, đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm.