Ngày 8-11, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “NXB Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông”.
Tại hội thảo, chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày các tham luận: “SGK theo định hướng phát triển năng lực: nhìn từ kinh nghiệm quốc tế”, “Từ chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam”, cùng các tham luận về định hướng, mục tiêu và phương pháp biên soạn một số cuốn SGK lớp 1 được NXB này tổ chức thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại đây, NXB Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu các bản mẫu SGK do NXB biên soạn. NXB này cho biết, những bản mẫu SGK này chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. Đội ngũ tác giả biên soạn 4 bộ SGK này gồm 150 tổng chủ biên, chủ biên và hơn 700 tác giả là GS, PGS, TS, các nhà khoa học và giáo viên thuộc tất cả các môn học và hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT.
Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, 4 bộ sách giáo khoa do NXB biên soạn bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Đây là 4 bản mẫu nằm trong số 5 bản mẫu SGK đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, đang chờ Bộ GD-ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố.
Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TPHCM.
Ngoài sách giáo khoa giấy, NXB Giáo dục Việt Nam còn cho biết sẽ phát triển đồng bộ sách giáo khoa điện tử, các tư liệu, tài nguyên số để hỗ trợ giảng dạy dành cho giáo viên.
Trước đó, theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận từ Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia các bản SGK lớp 1 được đánh giá là đạt, đầy đủ cho các môn học lớp 1. Tuy nhiên, do SGK là tài liệu mang tính pháp lý cao, liên quan đến nhiều Luật (Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ…) và các văn bản quy phạm pháp luật khác nên ban tổ chức đang tiến hành rà soát các điều kiện mang tính pháp lý đối với SGK. Vì vậy, cần thêm thời gian để rà soát lại trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt và sẽ công bố vào thời gian sớm nhất, trong tháng 11 này.
Như vậy, kế hoạch công bố các bộ SGK mới đã bị lùi lại. Trước đó, Bộ GD-ĐT hứa công bố trong tháng 10-2019.
Quy trình làm việc của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia diễn ra theo các bước: mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận, 7 ngày gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK, thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có). Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: đạt; đạt nhưng cần sửa chữa; không đạt. Đối với bản thảo được Hội đồng đánh giá là “đạt nhưng cần sửa chữa”, các tác giả chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng và đề nghị thẩm định vòng 2. Những bản thảo SGK được đánh giá là “không đạt”, các tác giả có quyền chỉnh sửa theo góp ý đánh giá của Hội đồng để trình thẩm định lại như thẩm định lần đầu... Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2020-2021, SGK giáo dục phổ thông dành cho chương trình lớp 1 mới sẽ được Bộ GD-ĐT chính thức triển khai. Toàn bộ SGK lớp 1 cũ sẽ bị loại bỏ. Những bộ SGK mới được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia thẩm định đạt và được Bộ GD-ĐT công bố sẽ được các địa phương lựa chọn dạy học trong nhà trường. Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện 1 chương trình, nhiều SGK. |