“Có lẽ đó chỉ là cách nói để gây ấn tượng mạnh mà thôi. Nhưng nói như thế dễ khiến mọi người có thiên kiến với TPDN, trong khi đây cũng là một kênh dẫn vốn hết sức quan trọng cho nền kinh tế”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ khi trả lời phóng viên Báo SGGP.
Từ chỗ còn sơ khai từ những năm 2000, đến nay thị trường TPDN đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quy mô thị trường TPDN tăng nhanh, năm 2017 chiếm khoảng 4,9% GDP; đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. Mặc dù vậy, quy mô thị trường TPDN Việt Nam so với GDP còn nhỏ, thấp xa so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (24,8%), Singapore (36,5%), Malaysia (56,8%)... Thị trường có thời điểm tăng trưởng nóng, thiếu tính ổn định. Đáng lưu ý, việc các công ty bất động sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong phát hành TPDN (khoảng 30-50% tổng khối lượng phát hành) còn tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường TPDN do gắn với rủi ro của thị trường bất động sản.
Do đó, về phía Nhà nước, các quy định pháp luật về phát hành TPDN cần tiếp tục được hoàn thiện, đề phòng doanh nghiệp cố ý sử dụng sai mục đích huy động vốn cũng như những sai phạm khác trong quá trình giải ngân, sử dụng vốn. Nhà nước cũng cần thúc đẩy các định chế tài chính trung gian tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi, tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân; nghiên cứu, sửa đổi cơ chế đầu tư của ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán theo hướng ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào TPDN được niêm yết, giao dịch và TPDN được xếp hạng tín nhiệm.
Quan trọng không kém, bản thân các nhà đầu tư cũng phải hành xử chuyên nghiệp trong sử dụng đồng vốn của chính mình. Không thể “đòi” Nhà nước “cứu”, nếu thiệt hại đến từ sự thiếu hiểu biết hoặc thậm chí là không may mắn của chính mình.