Ngày 3-8, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số: 4527/UBND-KT, chỉ đạo xử lý vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng tại tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ký thay Chủ tịch UBND tỉnh, gửi đến Công an tỉnh, Sở NN-PTNT, UBND huyện Vĩnh Thạnh.
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Giao Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Thạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm những tố chức, cá nhân vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; những trường hợp đủ yếu tố xử lý hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.
Văn bản nêu rõ, trách nhiệm triển khai thực hiện của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh và các cơ quan liên quan.
Trước đó, PV Báo SGGP đã có mặt tại hiền trượng vụ “xẻ thịt” rừng dổi cổ thụ, ở rừng phòng hộ thuộc các tiểu khu 142, 145 (thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh).
Tại hiện trường, có rất nhiều cây gỗ đường kính từ 40cm đến 1,05m bị lâm tặc cưa hạ, gốc nằm trơ khắp rừng; nhiều cây gỗ rừng cổ thụ đã bị cưa, xẻ ra để lấy gỗ cội, ván, rễ nằm la liệt giữa rừng; số khác vẫn chưa được cưa xẻ, bị lâm tặc cắt thành từng khúc lớn; dọc con đường do lâm tặc tự mở để làm bãi tập kết gỗ lớn nhỏ…
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, đơn vị này nhận được tin mất rừng từ phía người dân vào tối 22-7. Nguồn tin không cho biết cụ thể phạm vi rừng bị tàn phá nên khi đơn vị chức năng tổ chức truy quét thì lâm tặc đã tẩu thoát.
Lâm tặc để lại hiện trường, một lán trại không có người ở, bên trong lán trại có 4 cái võng, quần áo và một số đồ dùng khác (xoong, nồi, chén bát, gạo, mắm), 1 quyển vở học sinh, 1 sổ hộ khẩu và 1 chiếc điện thoại, cạnh lán trại có một số tấm gỗ xẻ,…
Đơn vị chức năng xác định vụ tàn phá rừng dổi cổ thụ (thuộc rừng phòng hộ thuộc huyện Vĩnh Thạnh) có tính chất phức tạp, nghiêm trọng; lâm tặc tinh vi, phá rừng có tổ chức, chúng có thể đã lợi dụng người dân địa phương để đốn hạ rừng nguồn.