Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa yêu cầu các sở, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 TP và UBND các quận huyện tăng cường kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu từ lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa.
Theo đó, Công an TP được giao tăng cường hoạt động trinh sát để nắm tình hình và xác định đầu nậu, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp. Từ đó lập án đấu tranh, không để tình trạng rút lõi, đánh tráo, tẩu tán diễn ra. Công an TP cũng phải chủ động phối hợp với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu đưa vào địa bàn TP.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP còn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi trữ và vận chuyển các loại hàng lậu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường để ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý hoạt động buôn lậu.
Về phía Cục Hải quan TP được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lô hàng quá cảnh, trung chuyển ngay từ khâu nhập khẩu, cho đến khi thực xuất. Đối với các lô hàng đã phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chi cục Quản lý thị trường TP được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bán lẻ, các đại lý, cửa hàng bày bán và kho bãi chứa các mặt hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, xử lý nghiêm các ợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu UBND các quận huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn không để việc tập kết, chứa trữ, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện đã qua sử dụng trên địa bàn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của công an, hải quan đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện (hàng đã qua sử dụng) như phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vi phạm diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, trên tất cả tuyến đường biển, đường hàng không, đường bộ và biên giới đường bộ, với phương thức, thủ đoạn tinh vi như rút ruột, tráo hàng, hàng không vận chuyển đến cửa khẩu xuất, tự ý phá niêm phong hải quan để tẩu tán hàng hóa…
Vi phạm xảy ra từ việc lợi dụng những hạn chế về quản lý, phối hợp giữa các lực lượng và bất cập trong chính sách đối với các loại hình vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu từ lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa.