Công an TPHCM lý giải việc dừng xe thổi nồng độ cồn

Trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM xử phạt 129.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

Chiều 26-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở TT-TT TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Liên quan đến phản ánh có tình trạng Cảnh sát giao thông đột ngột dừng xe đang lưu thông để thổi nồng độ cồn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM giải đáp về vấn đề này.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, Công an TPHCM triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM đã xử phạt 129.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, riêng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM đã xử lý 72.078 trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn, ma túy; trong đó có 72.066 trường hợp điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn, so cùng kỳ tăng 23.622 trường hợp (48,7%).

dsc-0544-1031.jpg
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, việc Cảnh sát giao thông kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, so cùng kỳ năm 2023, giảm 79 vụ tai nạn giao thông (giảm 7%); giảm 167 người chết (giảm 33%).

Đại diện Công an TPHCM khẳng định việc dừng phương tiện để kiểm soát, kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc kiểm soát nồng độ cồn.

Việc này không chỉ xuất phát từ việc kéo giảm tai nạn giao thông, mà còn để phòng ngừa các loại tội phạm có thể xảy ra sau khi sử dụng rượu bia như: tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, giết người….

Tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở VH-TT TPHCM Võ Nguyễn Hoàng Vũ thông tin về Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển chưa thể tu bổ dù đã xuống cấp.

Theo đó, từ khi xếp hạng đến nay, Sở VH-TT TPHCM chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị đề xuất tu bổ, phục hồi, tu sửa công trình di tích của các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong công trình di tích kể từ khi di tích được xếp hạng đến nay.

DSC_0537.JPG
Đại diện Sở VH-TT TPHCM thông tin tại họp báo

Đại diện Sở VH-TT TPHCM thông tin thêm, từ năm 1996 đến nay, sở phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều lần xuống khảo sát tại di tích, làm việc với các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển để tham mưu, báo cáo UBND TPHCM về di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển.

Theo Sở VH-TT TPHCM, với giá trị kiến trúc tiêu biểu của nhà cổ truyền thống Nam bộ, sở nhận thấy, việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển là cần thiết.

Do đó, cần giữ lại theo hiện trạng với 2 khu vực bảo vệ có tổng diện tích 723,9m² để tu bổ, tôn tạo công trình nhằm trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tài liệu, sách quý và phục vụ người dân và du khách tham quan, học tập, nghiên cứu.

Tin cùng chuyên mục