Tối 7-3, một lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM phối hợp cùng Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện báo “có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền” xảy ra trên địa bàn trong vài ngày trở lại đây.
Ban Giám đốc Công an TPHCM yêu cầu Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức phải tiếp nhận tin báo của phụ huynh, nếu bị lừa phải lấy lời khai cụ thể chi tiết. Đồng thời, phối hợp với nhà trường, Sở Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền tới người dân để kịp phòng chống và ngăn chặn thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Công an TPHCM cũng cho biết, hiện Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM, Công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đang rà soát các số điện thoại đã gọi tới các nạn nhân (tức phụ huynh) để báo “có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền” để truy xét. Công an cũng đang truy tìm các số tài khoản mà phụ huynh đã chuyển tiền vào.
Bước đầu, công an xác định hầu hết các nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên, thầy cô giáo, thông báo về trường hợp con của phụ huynh bị té ngã phải vào bệnh viện cấp cứu điều trị.
Phòng PC02 cho biết thêm, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng gần đây có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm lừa đảo qua mạng cũng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn.
Trong đó, cách thức lừa đảo gọi điện nộp tiền viện phí cho con em cấp cứu là đánh vào tâm lý phụ huynh.
Phòng PC02 hướng dẫn, khi nhận được cuộc gọi về thủ đoạn trên, việc đầu tiên phụ huynh cần xác minh ngay thông tin để xác thực làm rõ.
Chẳng hạn, phụ huynh liên hệ với nhà trường, đặc biệt là thầy cô giáo hoặc gọi cho bảo vệ trường con em mình đang theo học để xác minh. Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần giữ bình tĩnh và tuyệt đối không nghe theo lời người lạ gọi điện và chuyển khoản.
Theo thống kê, phần lớn các vụ lừa đảo qua mạng là do các đối tượng ở nước ngoài, hoặc người Việt sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng đã chuyển tiền chiếm đoạt qua tài khoản khác. Cho nên, việc điều tra xác minh các vụ lừa đảo hết sức khó khăn.
Vì vậy, Công an TPHCM có tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản. Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, nên các đối tượng sử dụng sim rác, CMND giả hoặc thuê mở tài khoản lừa đảo. Đối với loại tội phạm lừa đảo, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa. Vì thế, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Như Báo SGGP thông tin, từ đầu tháng 3-2023 tới nay, nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại một số trường trên địa bàn TPHCM nhận được cuộc điện thoại “lạ” nói con em nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn… Đồng thời, những người gọi yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền để phẫu thuật cho con em gặp nạn.
Nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con em mình nên đã chuyển từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng vào số tài khoản người “lạ” yêu cầu. Tuy nhiên, khi phụ huynh tới các bệnh viện thì mới biết là bị lừa.
Phụ huynh khi nhận cuộc gọi báo “có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền” cần liên hệ với công an nơi gần nhất như: phường, xã, thị trấn, công an quận, huyện, TP Thủ Đức hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát Hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp công an điều tra, xử lý.