Công an TPHCM hướng dẫn cách phòng trộm cắp, cướp giật

Thời điểm cuối năm, tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp. Tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản... gia tăng hoạt động, gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Người dân vây bắt người đàn ông nước ngoài cướp giật giữa ban ngày
Người dân vây bắt người đàn ông nước ngoài cướp giật giữa ban ngày

Ngày 13-1, Công an TPHCM cho biết, thời điểm cuối năm tình hình an ninh, trật tự luôn diễn biến phức tạp; các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” gia tăng hoạt động… sẽ ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Thủ đoạn trộm, các đối tượng thường nhằm vào các hộ gia đình thường xuyên vắng nhà hoặc không có người trông coi hay ở khu vực dân cư thưa thớt; các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục mà lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động thiếu hoặc hư hỏng.

h-3160.jpeg.jpeg
Hình ảnh một vụ kẻ gian đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản

Hoặc lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của người dân trong quản lý tài sản (chủ yếu là xe máy) như: để xe ở nơi vắng vẻ, để xe ngoài đường, trong sân nhà, khuất tầm quan sát, không sử dụng khóa chống trộm…; tại nơi công cộng như: chợ, công viên, bến tàu, bến xe….

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng nơi đông người, tạo cảnh chen lấn, xô đẩy để thực hiện hành vi trộm cắp.

Với cướp, cướp giật, các đối tượng dùng xe máy tốc độ cao, trang phục lịch sự (hoặc mặc đồ hãng xe ôm công nghệ) để tránh sự chú ý. Các đối tượng dạo quanh các tuyến đường, trụ sở giao dịch của ngân hàng, điểm ATM, cơ sở buôn bán vàng, bạc, kim loại quý.

Khi phát hiện người dân mang theo tài sản, trang sức, các đối tượng sẽ bám theo, chờ cơ hội áp sát cướp, cướp giật rồi tẩu thoát.

Thậm chí, các đối tượng dàn cảnh va chạm, chặn đầu xe gây cảnh lộn xộn làm nạn nhân mất tập trung để đồng phạm móc túi, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, lợi dụng các lễ hội, nơi tập trung đông người (điểm bắn pháo hoa, biểu diễn ca nhạc, nhà thờ, chùa…) các đối tượng theo dõi, áp sát, che chắn “con mồi” để đồng phạm móc túi, giật dây chuyền, điện thoại.

Nếu bị phát hiện truy đuổi, đối tượng sẽ cản trở, chuyển tài sản vừa cướp giật cho đồng phạm rồi hòa vào đám đông như chưa có chuyện gì xảy ra.

h1.jpg
Người dân vây bắt người đàn ông nước ngoài cướp giật giữa ban ngày

Công an khuyến cáo các hộ gia đình cần gia cố cửa, sử dụng khóa chống trộm, chống acid để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra cửa. Khi vắng nhà phải nhờ người trông coi.

Nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện để đột nhập vào nhà, trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm. Tạo mối quan hệ gắn bó với hàng xóm xung quanh, trao đổi số điện thoại để hỗ trợ, cùng nhau bảo vệ tài sản khi cần thiết.

Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cần lưu ý tuyển dụng nhân viên bảo vệ có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Chủ nhà trọ phải cảnh giác với thủ đoạn của các đối tượng đóng giả người thuê trọ để trộm tài sản. Khi phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn trộm cắp tài sản phải thông báo ngay cho chủ nhà trọ, khách thuê trọ khác biết và cơ quan công an gần nhất để kịp thời đấu tranh truy bắt.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, khi ra đường hay vào khu lễ hội không nên đeo trang sức; ví, giỏ xách phải cất giữ cẩn thận.

Không nên dừng, đậu xe nơi vắng, đêm khuya; không nghe điện thoại khi đang di chuyển. Các trụ sở giao dịch của các ngân hàng, tiệm vàng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị kiến thức nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ, trang bị camera giám sát...

Năm 2024, TPHCM xảy ra 465 vụ cướp giật, 2.108 vụ trộm cắp.

Tin cùng chuyên mục