Trao đổi với Báo SGGP, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an TPHCM cho biết:
- Hiện nay, các nhóm "hiệp sĩ đường phố" là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Họ tự giác, tự nguyện hợp tác kết hợp thành nhóm tham gia bảo vệ, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, hoạt động của các nhóm "hiệp sĩ đường phố" cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập.
Do là hoạt động tự phát, nên hoạt động thường thiếu định hướng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, và thiếu kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống bất ngờ, phức tạp, đột xuất...
* Có ý kiến cho rằng trong tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, kẻ phạm tội thường manh động, sẵn sàng dùng hung khí tấn công, gây thương vong cho những người truy bắt tội phạm thì những "hiệp sĩ đường phố" nên được trang bị công cụ hỗ trợ để tự bảo vệ sự an toàn cho mình. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Đại tá NGUYỄN SỸ QUANG: Về bản chất, các nhóm "hiệp sĩ đường phố" không phải là đơn vị có chức năng chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống tội phạm theo pháp luật quy định, nên hiện nay không thể trang bị công cụ hỗ trợ cho những nhóm này. Chính quyền thành phố và Công an TPHCM hoan nghênh ý thức của người dân tham gia phong trào phòng, chống tội phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với khả năng, điều kiện cho phép, đúng quy định của pháp luật.
* Đối với hai "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam qua đời trong lúc truy bắt tội phạm vào đêm 13-5, Công an TPHCM sẽ đề nghị truy tặng khen thưởng đối với họ không, thưa ông?
- Công an TPHCM sẽ đề nghị khen thưởng xứng đáng đối với hai công dân đã dũng cảm quên mình, góp phần bảo vệ sự bình yên của thành phố.
* Khi đi thăm các "hiệp sĩ" bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an thành phố tìm biện pháp bảo vệ các "hiệp sĩ đường phố", không có lý do gì mà chúng ta không bảo vệ những con người đã xả thân vì sự bình yên của người dân". Vậy trong thời gian tới, Công an TPHCM sẽ đề xuất những biện pháp cụ thể gì để bảo vệ họ?
- Trước đây, Công an TPHCM đã từng báo cáo với lãnh đạo thành phố để có những giải pháp hỗ trợ hoạt động của các nhóm "hiệp sĩ đường phố" trong điều kiện, theo quy định của pháp luật và thực tiễn TPHCM.
* Trên mạng xã hội có đưa thông tin vào thời điểm xảy ra vụ án, một người dân đến báo với một số chiến sĩ công an đang ở gần đó nhưng nhận được câu trả lời: "Khác phường em ơi. Muốn gì thì báo với phường bên đó đi". Trước thông tin này, Công an TPHCM có xác minh, xem xét trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ công an có câu trả lời vô trách nhiệm như vậy (nếu có) hay không?
Nếu đúng như thông tin phản ánh thì lãnh đạo Công an TPHCM sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm túc cán bộ, chiến sĩ công an không thực hiện đúng theo quy định.
* Xin cảm ơn ông!