Chiều 8-8, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đang điều tra mở rộng chuyên án liên quan tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản quốc tế, bắt giữ 155 đối tượng hoạt động tại Đặc khu kinh tế thuộc tỉnh Bokeo (Lào). Đường dây này đã lừa đảo hàng ngàn người, chiếm đoạt số tiền lớn.
Nhằm phục vụ công tác điều tra và bảo vệ quyền lợi của người bị hại, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo bằng phương thức, thủ đoạn, đó là: Các đối tượng giới thiệu mình là người quen hoặc là cổ đông của tập đoàn OYO kinh doanh về lĩnh vực khách sạn, chuyên cho thuê phòng khách sạn (khách đặt phòng trên mạng). Sau đó, rủ bị hại đầu tư kinh doanh phòng khách sạn OYO để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận theo ngày.
Lúc đầu, đối tượng sẽ cho bị hại rút tiền để cho bị hại tin tưởng. Sau đó, khi bị hại nộp vào số tiền lớn, đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do như sai số tài khoản nạp tiền, tài khoản bị khóa... để tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vậy ai là nạn nhân hoặc có thông tin liên quan hoạt động của các đối tượng, liên hệ ngay với Thượng úy Nguyễn Hữu Đại, cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, theo số điện thoại: 0942823388.
Mọi thông tin của người báo sẽ được bảo mật tuyệt đối và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, sau khi có đầy đủ các chứng cứ, thông tin về hoạt động phạm tội, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, cùng với sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ của các lực lượng nghiệp vụ công an Việt Nam, công an Lào, với việc xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết, vào rạng sáng 2-8-2024, các tổ công tác của Ban chuyên án đã quyết định xuất kích, phá án.
Sau hơn 4 giờ, lực lượng công an Việt Nam và công an Lào đã bắt giữ 155 đối tượng trong đường dây lừa đảo đang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tỉnh Bokeo, Lào); thu giữ gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính, gần 500 điện thoại, hàng ngàn sim điện thoại không chính chủ và các công cụ, tài liệu khác dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, đây là một bộ máy tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, xuyên biên giới hoạt động trên không gian mạng, do người nước ngoài quản lý chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn nạn nhân Việt Nam.
Hiện, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng chuyên án.