“Con yêu, con ghét”

Khi được hỏi về tình cảm đối với con cái, hầu như ai cũng trả lời “con nào cũng là con, yêu thương như nhau!”. Thế nhưng, không hiếm những trường hợp “con yêu, con ghét” trong gia đình, để lại cho trẻ những tổn thương dai dẳng.

Đối xử công bằng là nền tảng tạo nên hạnh phúc của các con trong gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đối xử công bằng là nền tảng tạo nên hạnh phúc của các con trong gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Sau kết hôn, anh Minh và chị Loan (ở Đồng Nai) sinh được một cô con gái bụ bẫm. Mặc dù khá thất vọng vì anh là con trưởng, luôn mong có con trai để nối dõi, nhưng nghĩ tuổi còn trẻ, có thể lần sau được như ý, nên anh cũng yêu thương con. Thế nhưng trời không chiều lòng người, hai lần sau, chị Loan đều cho ra đời “công chúa”. Qua ba lần sinh nở, chị muốn ngưng nhưng anh Minh không đồng ý, muốn phải có con trai.

Có bầu lần thứ tư, chị sinh một cặp trai - gái, nhưng bé trai chỉ sống được vài ngày. Có người cho rằng, do song thai khác trứng, cậu bị chị gái “lấn ép” trong bụng mẹ nên suy yếu. Quá thất vọng vì mất quý tử, anh xem bé gái còn lại là tội đồ, không ngó ngàng gì tới. Chị Loan sau cơn vượt cạn cũng mất sức khỏe, lại lu bu lo cho những đứa con khác nên việc chăm sóc bé út có phần chểnh mảng; phần nữa cũng ảnh hưởng bởi chồng, anh thường nói với chị: “Tại sao đứa chết không phải là nó, mà lại là đứa con được trông đợi của mình?”.

Vậy là đứa bé lớn lên trong sự hờ hững của cha mẹ. Bé thường bị rầy la trách mắng, nhiều khi không phải do lỗi của mình. Ba chị gái được chiều chuộng, được đáp ứng những đòi hỏi, còn bé thì chỉ nhận được những lời la mắng. Là con út (chị Loan không thể sinh được nữa do tai biến sau sinh), đáng ra bé phải được cha mẹ cưng chiều, được các chị nâng niu, đằng này bé như cái gai trước mắt của cha mẹ và là đối tượng để các chị trêu chọc, đánh mắng. Bà con thân thích nhiều người thấy đau lòng nhưng không can thiệp được, vì như anh Minh nói, “tôi vẫn nuôi nấng nó no đủ, không đánh đập hành hạ thì có gì không phải”. Thế nhưng, anh đâu biết rằng, cách hành xử “con yêu, con ghét” này đã làm tổn thương đứa bé vô tội, cũng là núm ruột của mình.

2. Bé Hạnh, con của anh chị Hồng - Lam ở Long An lại trong hoàn cảnh khác. Cháu ra đời khi đã có một anh trai. Những tưởng gia đình có nếp có tẻ thì Hạnh sẽ được cưng chiều, nhưng không, Hạnh bị cha mẹ ghẻ lạnh. Nguyên do chỉ vì khi Hạnh được sinh ra thì gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Anh Hồng thất nghiệp, còn chị Lam bị bệnh liên miên, tốn một số tiền lớn để chữa trị. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Hạnh bị cha mẹ xem là đứa con mang lại sự xui rủi.

Thế rồi, chị Lam lại có thai. Lần này là một cậu bé trai kháu khỉnh. Từ ngày có cậu bé này, gia đình bỗng dưng hanh thông trở lại, chuyện làm ăn của anh chị gặp nhiều thuận lợi. Vậy là, hai người càng tin rằng Hạnh là đứa con “ám quẻ” nên sự ghét bỏ càng tăng.

Bản thân Hạnh thì không hiểu điều này, cô bé không hiểu sao anh và em của mình được cha mẹ thương yêu, còn mình thì bị xa lánh. Nhiều khi Hạnh thèm một vòng tay ôm của cha mẹ, nhưng mỗi khi Hạnh đến bên mẹ thì bị xua “tránh ra, để mẹ bế em”.

Hạnh lớn lên trong sự tủi hờn như vậy và ngày càng trầm cảm. Đến tuổi đến trường, Hạnh phải tự lo mọi thứ nên việc học không có gì khả quan. Điều này càng khiến cha mẹ bực mình, và Hạnh trở thành như cái gai trước mắt của họ.

3. Bé Thảo ở quận Phú Nhuận (TPHCM) lại chịu cảnh “con yêu, con ghét” khác. Bé được sinh ra khi cha mẹ làm ăn thuận lợi, cũng được chăm chút khi còn thơ, cho đến khi bé An ra đời. Cô em gái này không may bị bại não, chỉ nằm một chỗ. Từ đó, mọi tình thương của cha mẹ dồn hết vào đứa em bất hạnh này. Chuyện không có gì đáng nói nếu bé Thảo không bị ghẻ lạnh. Thời điểm này, cha mẹ bé làm ăn thất bại, không thể thuê người chăm sóc bé An. Thảo chỉ mới 8 tuổi, sau giờ đến trường phải lo cho em, làm việc nhà. Cực nhọc như vậy nhưng dường như cha mẹ Thảo không hề cảm thông hay thương xót, mỗi khi lỡ tay làm em khóc hay em không chịu ăn, Thảo đều bị mắng xối xả. Hàng xóm ai cũng cảm thương Thảo nhưng không thể can thiệp vì chuyện cha mẹ dành hết tình thương cho đứa con tật nguyền, nói cho cùng đâu có gì đáng trách. Chỉ tội cho Thảo, tuổi thơ cực nhọc, trên nét mặt lúc nào cũng đượm vẻ u buồn.

4.Còn Minh (ở Đồng Nai) bị cha mình là anh Nam cư xử bất công chỉ vì bản thân em quá hiếu động. Sau khi lập gia đình, anh Nam mong đợi một đứa con thông minh, học hành giỏi giang, thế nhưng Minh không đáp ứng được kỳ vọng đó. Từ lúc 2 tuổi, em đã cho thấy tính hiếu động quá mức, luôn quậy phá và không theo quy định của cha. Dạy dỗ không được, anh Nam bắt đầu dùng đòn roi. Giải pháp này không tỏ ra hiệu quả, cậu bé càng ngày càng xa lánh anh Nam. Khi em gái ra đời, Minh càng bị cha bỏ rơi. Minh rất thương em, đôi khi chơi giỡn, nựng nịu mạnh tay làm em khóc lại bị cha đánh, đuổi xua. Tuy nhiên, Minh may mắn được mẹ (chị Hoàng) quan tâm. Chị Hoàng biết con mình bị hội chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) nên luôn dỗ dành, tâm sự để Minh bớt hiếu động và nhờ chuyên gia tư vấn. Được sự quan tâm của mẹ, trải qua các hoạt động vui chơi ở trường, dần dần Minh tập trung hơn, việc học có tiến bộ. Mẹ Minh hy vọng một ngày nào đó, chồng mình sẽ suy nghĩ lại và thương yêu con trai.

Tình trạng “con yêu, con ghét” thường xảy ra trong những gia đình còn mang nặng tư tưởng phong kiến, “trọng nam khinh nữ”, hay mê tín dị đoan. Sự thiên vị này ảnh hưởng lâu dài đến ý thức và giá trị bản thân của trẻ. Theo chuyên gia, trẻ bị đối xử bất công trong gia đình, khi lớn lên có thể phát triển cảm giác tự ti, thậm chí có thể nuôi trong mình sự giận dữ và có nhận thức tiêu cực đến mối quan hệ gia đình sau khi trưởng thành.

Tin cùng chuyên mục