“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Câu ca dao xưa đó nói lên thời vương triều phong kiến, một trật tự giai cấp bất di bất dịch. Song đến thời nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam trật tự này đã xóa bỏ.
13 giờ ngày 30-8-1945, tại lầu Ngọ Môn (Đại nội Huế), vua Bảo Đại - vị vua thứ 13 của triều Nguyễn, thoái vị trao ấn và kiếm cho đại diện phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Con cháu vua bây giờ ra sao, ĐTTC đi thực tế ghi nhận.
Đi theo cụ Hồ
Gặp chúng tôi trong căn nhà bên dòng sông Hương thơ mộng, ông Vĩnh Mẫn là con cụ Bửu Trác (cháu nội vua Hiệp Hòa), chia sẻ cha ông từng giữ chức thống chế nhất phẩm triều đình, nhân vật thứ hai sau vua, quyền lực ngất trời, nhưng do tính cương trực, cụ không chịu luồn cúi và chống Pháp theo cách riêng của mình.
Vì thế, sau khi vua Khải Định băng hà, cụ bị Phủ Tôn Nhơn kết án, tước chức, tước tôn tịch, đày đi Lao Bảo, 6 tháng sau đến năm Bảo Đại thứ nhất (1926) cụ được ân xá. Triều đình Huế chuẩn khôi phục nguyên tước Hương Công, mời trở lại làm, nhưng cụ từ chối.
“Cha không chỉ chống Pháp, mà quan trọng hơn cụ còn luôn dạy dỗ những đứa con của mình nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, giáo dục tư tưởng yêu nước, chống Pháp. Cha tôi có 6 người con thì 3 người đi theo Việt Minh là Vĩnh Tập, Băng Tâm và tôi” - ông Vĩnh Mẫn tự hào.
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Vĩnh Mẫn từ bỏ tất cả để đi theo Cụ Hồ, trở thành vị Chính ủy “Cửa Việt”-tên một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh” trên biển nổi tiếng. Ông lục tìm những tấm ảnh, thư từ của những đồng đội trên Tàu không số giữ mấy chục năm nay cho tôi xem, rồi kể ông tham gia đội trinh sát thiếu niên Trung đoàn Việt Minh Trần Cao Vân.
Năm 1948, khi 18 tuổi, được cấp trên đặt lại tên là Phan Thắng. Đến năm 1960, ông là trợ lý giáo dục của Sư đoàn 338 Nam bộ do tướng Tô Ký làm Tư lệnh kiêm Chính ủy.
Đất nước thống nhất, Phan Thắng chuyển ngành về quê hương, lấy lại tên Vĩnh Mẫn, được phân công làm Trưởng ban Hợp tác kinh tế văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên và nhiều công tác khác với Lào và Campuchia. Những năm qua, ông Vĩnh Mẫn lại bôn ba kết nối những đồng đội từng tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển.
Khi đã tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn lặn lội tàu xe ra Hải Phòng, vào TPHCM, xuống miền Tây Nam bộ để bàn bạc thống nhất giữa các nhóm vận tải biển ở ĐBSCL, giữa các cụm bến của D962, D371 để bàn về cách thức tổ chức Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hậu duệ với tổ tông
Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, cháu nội đời thứ 7 của vua Gia Long, lang thang mọi hang cùng ngõ hẻm khắp các khu vực trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, và các tỉnh khác mà ông từng có dịp đặt chân đến, nhất là các tỉnh phía Nam, để tìm kiếm, nghe ngóng những thông tin về lăng mộ các hoàng thân quốc thích, dòng dõi các chúa và vua Nguyễn, cũng như từng dấu tích hoặc các công trình xây dựng từ thời Nguyễn…
“Những chuyến đi phần vì trách nhiệm của hậu duệ với tổ tông, phần do những gì thuộc về văn hóa Huế”-Vĩnh Khánh chia sẻ và cho biết ông đã khảo sát và kiểm kê được hơn 600 ngôi mộ là nơi an nghỉ của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn, hậu, phi, hoàng thân, quốc thích... nằm rải rác ở Huế và các tỉnh phía Nam, nhiều ngôi mộ đang trong tình trạng hoang tàn, đổ nát.
Cứ nghe ở đâu có người mách bảo, ông tức tốc tìm đến, dù chỉ là phát hiện về một tấm bia mộ. Ông tỉ mỉ vẽ lại sơ đồ, chụp hình chi tiết, định vị, rồi cặm cụi giải mã những thông tin thu nhặt được.
“Thường mỗi lăng mộ phải mất vài lần, có khi cả chục lần đến mới có được hồ sơ hoàn chỉnh, nhằm để con cháu hoặc ngành văn hóa địa phương, các nhà hảo tâm có cơ sở để trùng tu, phục dựng”- ông Vĩnh nói.
Nói về cơ duyên đến với công việc chẳng cần tài chính lẫn danh tiếng, Nguyễn Phước Vĩnh Khánh hóm hỉnh: “Tôi chỉ là một “gã độc hành” chuyên làm việc “bất lương” (không có lương), có chi đáng nói mô”.
Nhưng quả thật, những việc ông làm hầu như ít ai biết và làm được. Trong đó, gia tài nổi bật ông đang sở hữu là bộ hồ sơ tổng hợp dày hàng ngàn trang khổ A3 và A4 về hiện trạng lăng mộ các chúa và hậu nhà Nguyễn, do chính ông miệt mài khởi lập từ năm 1988. Một diện mạo tổng thể kiến trúc lăng mộ triều Nguyễn đang hoàn thiện dần trong ý tưởng đầy nhân văn.
Quận chúa làm thơ
Ở Huế có câu hò nổi tiếng không người nào ở mảnh đất này không được nghe, không du khách nào không từng một lần thưởng thức: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”.
Trong khi ở Nam bộ có những vần thơ cứ đọc lên ai cũng thấy lòng mình rung động, xao xuyến, êm ái, nhẹ nhàng, nghe rồi nhớ mãi không quên: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời”.
Đó là những câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương, tên thật Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ, là con nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị với bài thơ nổi tiếng trên. Xét theo trực hệ, Tôn Nữ Hỷ Khương là thế hệ thứ năm liên tiếp của vua Minh Mạng.
Tháp tùng nhà thơ Hỷ Khương trong những ngày bà từ TPHCM về thăm lại cố hương, tôi được bà kể nhiều đến cảnh cũ người xưa, hồi ức về những ngày cuối đời của người cha quá cố. Rồi bà kể về chuyện người ta in thơ của bà lên lịch, hoặc khắc lên đá nhằm mục đích kinh doanh dù chưa được sự đồng ý của nhà thơ, thậm chí còn không đề tên tác giả.
Bà đã xuất bản các tập thơ Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004) và hồi ký Hồi ức cha tôi (1996, tái bản 2002)...