Con ai mà không cưng, nhưng mỗi người cưng con một kiểu. Mẹ, ai mà không thương, nhưng mỗi người thương mẹ một kiểu. Thôi nói kiểu “cưng con” trước vậy.
Chị M. cưng con quá đỗi, dù con gái đã có chồng và có nhà riêng. Lần đầu con gái sinh, chị đưa con về nhà mình chăm sóc tới khi cháu ngoại đến tuổi học mẫu giáo mới thôi. Lần thứ nhì con gái của chị sinh thì bà ngoại, tức chị M., vắng nhà do bận việc nên con chị phải ẵm em bé sang nhờ người hàng xóm… tắm hộ vì “con sanh hai đứa, má con đều tắm em bé. Nay má không có nhà, con đâu biết làm” (?).
Còn trường hợp chị G. thì thương con quá đỗi. Chồng mất sớm, chị ở vậy làm lụng nuôi hai con, một trai một gái lớn khôn. Khi đứa con gái lập gia đình, sinh con, chị G. đón con và cháu về nhà mình chăm sóc. Chuyện ở chỗ là khi em bé đã cứng cáp mà cô con dâu vẫn chưa muốn về lại nhà chồng, dù hai nhà cách nhau chưa đầy 40.000 đồng tiền taxi. Đáng nói, nhiều lần chị G. lại “canh” lúc ba mẹ chồng của con gái đi vắng, chị vào nhà sui gia để phụ việc nhà giúp con. Thật là lòng mẹ bao la quá…?!
Con thương mẹ cũng có nhiều kiểu thương. Bạn tôi, nhà chỉ có hai chị em gái nên thương nhau rất mực. Khi người chị có chồng, mang thai, bạn tôi vui mừng như hạnh phúc của chính mình. Khi chị chuyển dạ sinh con, xót xa cho từng cơn đau của chị, bạn tôi chạy đôn chạy đáo lo toan mọi việc. Thế nhưng thời gian sau đó, nhìn cảnh mẹ tất bật chăm sóc chị, nào là nấu cơm, kho cá, lo nồi nước xông... Ban ngày hầu như không khi nào mẹ ngơi công việc. Vậy mà ban đêm, nghe tiếng cháu khóc, lo con gái còn vụng về, mẹ lại ngồi dậy, đến bên phụ giúp.
Xót cho mẹ, bạn tôi tỏ ra không hài lòng, dù vẫn mừng vui với từng cử chỉ đầu đời của đứa cháu bé bỏng. May mắn là người chị gái ngày càng khỏe mạnh, quen dần với công việc làm mẹ. Ngoài những việc cần kiêng khem sau sinh, chị biết tự lực, không hề nghĩ mình đã sinh được “con”, mình phải là nhất. Em bé ngày càng lớn, càng đáng yêu, quấn quýt lấy dì. Ngày qua ngày, tình cảm mẹ con, chị em, dì cháu càng thêm thắm thiết.
Riêng trường hợp chị G. nói trên, anh con trai của chị mỗi ngày vẫn vô tư hai bữa đi làm, về nhà ăn uống, nghỉ ngơi và thỉnh thoảng… nựng cháu. Anh không hề nhìn thấy cảnh mẹ quá cực nhọc, vất vả, phải lo những việc không tên của em, của cháu suốt thời gian dài. Nếu khi anh có vợ, sinh con, chắc rằng mẹ anh cũng sẽ được phó thác việc chăm cháu. Phải chi anh nhìn ra vấn đề, khéo léo khuyên mẹ hướng dẫn em những việc có thể tự làm.
Con thương mẹ, mẹ cưng con, việc đó quá đúng, quá tốt nhưng cũng tùy việc mà cưng, không nên cưng quá đỗi.
Bao Kim Thanh