Nhà trên có bàn thờ gia tiên, đầy đủ bàn ghế, bình trà để tiếp khách, nhưng với gia đình theo lối lễ nghi, hơi kỹ tính một chút thì con nít ít đứa nào dám chạy nhảy, đùa giỡn ở nhà trên. Bàn ghế ở nhà trên, muốn ngồi cũng phải có lớp lang, chỗ nào dành cho người lớn trong nhà nói chuyện, chỗ nào dành cho sắp nhỏ, đâu phải ra đó hẳn hoi, không có giỡn chơi được.
Còn cái chái bếp sau hè thì khác! Đồ đạc trong bếp rủi có lỡ tay thì tía má cũng hay nói “Thôi kệ! Một đời ta ba đời nó, lỡ bể thì mua cái khác”. Má đi chợ là có ngay chục chén, chục dĩa mới để thay, nhưng không phải vì vậy mà ỷ y được, bể cái chén cũng bị má rầy mấy ngày.
Cứ chiều chiều, chái bếp sau hè lại nghi ngút khói, sắp nhỏ được thưởng thức bao nhiêu là hương vị, nghe mùi tép rang, thịt kho, canh chua cá đồng hay nồi khoai vừa chín tới… là cái bụng cồn cào. Đám nhỏ có mê chơi lỡ bữa cơm, thì về lục lọi trong bếp, thể nào cũng còn cái gì đó để ăn. Bởi thế mà không đâu bằng nhà mình, không cơm nào ngon bằng cơm má nấu, kiểu gì cũng có cái để bỏ bụng.
Nói đi thì cũng nói lại, đồ đạc nhà trên hay đồ ở nhà bếp món nào cũng quý. Như cái nia tre, giống cái mẹt ở miền Bắc nhưng kích thước lớn hơn, có khi dọn được cả mâm cơm ra nia. Nia được đan kín không có lỗ, vành nia tròn và cao hơn mẹt, sàng gạo thủ công bằng tay theo kiểu tía má ngày xưa thì nia được đặt phía dưới để hứng tấm rơi xuống… Ông bà mình có câu “lọt sàng xuống nia” là vậy.
Cái nia là vật thường trực ở bếp, đủ cách xài, nó dễ sứt mẻ nhưng hễ bung chỗ nào, tía má đan lại chỗ đó. Với má là vậy, món đồ dẫu không đáng giá bao nhiêu, nhưng phải đến khi không còn sửa được thì má mới chịu bỏ đi. Món đồ giản dị, nhưng là cả một bài học từ ông bà dạy tía má, tía má căn dặn lại sắp nhỏ. Một lối sống dung dị, món đồ nào còn dùng được thì dùng, sửa được thì sửa, mỗi cái hư là mỗi lần bỏ đi thì của đâu mà xài cho đủ - má vẫn nói với đám con như vậy.
Chái bếp sau hè theo nhịp sống của đô thị hóa không còn đơn sơ với mái lá, cột kèo, nhiều nơi nó được xây bằng tường gạch chắc chắn. Người ta sắm sửa đủ thứ đồ gia dụng từ loại xịn đến đồ ngoại nhập, nhưng một góc nhỏ nào đó ở bếp vẫn giữ cái nia, để cái cối xay bột.
Bởi có những thứ mãi thuộc về nếp nhà, gian bếp đâu đó giữa nhịp sống hiện đại, chợt thấy bữa cơm dọn trên cái nia, mớ bột xay từ cối đá hay mớ bánh xèo bày ra trên nia lá chuối... bữa cơm bỗng dưng thơm cả một miền ký ức. Và trong những dặm dài năm tháng xuôi ngược, người ta dẫu có đi lâu, đi xa cách mấy, vẫn còn trong lòng một miền quê để trở về. Bất chợt, chạy ù ra chái bếp sau hè, lục tô cơm nguội, cá kho của má mà nhai ngấu nghiến, ngon lành, trong veo.