Đón nhận thông tin con gái đầu thi THPT quốc gia năm 2017 đạt điểm khá cao, dư sức bước chân vào một trường đại học có thương hiệu ở TPHCM, cả nhà anh chị của tôi đều vui. Họ hy vọng tràn trề về tương lai của cô con gái đầu ngoan, học giỏi. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, cháu gái của tôi chính thức tuyên bố rằng nó sẽ chọn học nghề nhiếp ảnh, sáng tác ảnh nghệ thuật ở một trường cao đẳng nghề chứ không thích học đại học kinh tế như cha mẹ mong ước.
Từ nhỏ, cháu gái tôi thuộc dạng chăm học và luôn nghe theo sự chỉ dẫn của cha mẹ, kể cả học thêm môn gì, chọn trường nào để học... Vì thế, tuyên bố hùng hồn đi ngược với mong ước, kỳ vọng của cha mẹ về lựa chọn nghề nghiệp tương lai khiến anh chị tôi nhảy dựng lên.
Chị tôi bộc bạch nỗi khổ tâm, kể lể dài dòng về hành trình đầu tư cho con học hành tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như thế nào... Ấy vậy mà đến ngày chạm vào giấc mơ, hãnh diện vì con cái trưởng thành, đặt chân vào cánh cửa đại học thì con lại quay ngoắt 3600, đòi học nghề.
Là nhà giáo, có kinh nghiệm về tâm lý nên tôi hiểu nỗi bức xúc của anh chị và lựa chọn tương lai của cô cháu. Trước tiên, tôi gặp riêng cháu để nghe nó thổ lộ tâm tư. Thì ra, nó cũng bị ức chế từ lâu vì cha mẹ luôn áp đặt mọi việc. Anh chị tôi ép con học thật nhiều, thành tích học tập phải tỏa sáng cũng chỉ vì sĩ diện, muốn khoe con mình không thua ai. Suốt 12 năm phổ thông, bị tước đoạt sự tự chủ, tự lập, vùi dập mọi ước mơ giản đơn nhất nên cháu cứ nhất nhất nghe theo cha mẹ như cái máy. Tuy bề ngoài tỏ ra ngoan ngoãn nhưng bên trong cháu lại muốn phản kháng, nổi loạn. Vì thế, dù rất thích nghề chụp ảnh, sáng tác ảnh từ những năm cấp 2 nhưng cô cháu gái tôi không dám thổ lộ đam mê của mình. Cho đến khi bước vào lớp 10, cháu chọn học nghề nhiếp ảnh và cảm thấy bay bổng với niềm vui được thể hiện sở trường. Cháu đoạt giải cao trong cuộc thi “Ảnh học đường” nhưng với ba mẹ thì đó chỉ là đam mê nhất thời.
Sau khi nghe những lời tâm sự cháy bỏng đam mê, ước mơ được đi đây đi đó tìm nguồn cảm hứng sáng tác của cháu, tôi tìm cách nói chuyện với anh chị mình. Rất khó khăn, rất căng thẳng nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được họ đồng hành với giấc mơ, đam mê nghề nghiệp của con. Đừng nghĩ tấm bằng cử nhân là danh giá, hãy chia sẻ với sự lựa chọn của con cái. Bởi lẽ, chọn nghề tương lai cũng như chọn đối tác để kết hôn. Nếu không phù hợp và khiên cưỡng thì kết cục sẽ là sự tan vỡ.