Bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng nay, 25-5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ với phóng viên về tình trạng “loạn giá thầu” thiết bị y tế.
“Rõ ràng, vẫn có tình trạng tắc trách, tạo ra kẽ hở cho nhiều vấn đề phát sinh”, bà Phong Lan thẳng thắn.
Được đề nghị bình luận về nhận định của Kiểm toán nhà nước liên quan đến hàng loạt biểu hiện lãng phí, thất thoát, loạn giá thầu trang thiết bị y tế, hóa chất khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương và một số địa phương, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhận định: “Qua theo dõi, tôi chưa thấy sự thống nhất quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và người được kiểm toán. Có những mặt hàng kiểm toán kết luận có sự chênh lệch quá lớn về giá giữa các bệnh viện, có sản phẩm chênh tới 6-7 lần nhưng phía đơn vị cũng có giải trình, cho rằng kiểm toán so sánh như vậy chưa thỏa đáng. Tôi nghĩ cơ quan kiểm toán cũng nên làm sao để khi có kết luận, đơn vị được kiểm toán tâm phục khẩu phục”.
Theo bà, với mức giá chênh lệnh như vậy, về nguyên lý, không loại trừ sự bắt tay trong đấu thầu, nhưng “tiêu cực cũng chỉ là một khả năng”. Song, có một lý giải chung của nhiều đơn vị được kiểm toán đưa ra là bệnh viện tổ chức đấu thầu theo gói chứ không chỉ mua từng sản phẩm, vì thế, có thể loại thuốc này họ mua giá cao hơn bệnh viện kia nhưng thiết bị khác lại mua được với giá thấp hơn, xét chung thì… hòa.
Thừa nhận thực tế là những loại vật tư, thiết bị được liệt kê là mua giá thấp hơn thì chỉ dừng ở dây truyền, kim tiêm… còn những loại thuốc, hóa chất giá trị cao, là vật tư chủ lực của bệnh viện (như hoá chất điều trị ung thư có trường hợp giá cao tới hơn 40 triệu đồng/lọ trong khi bệnh viện khác thì mặt hàng đó giá chỉ bằng ¼), dẫn đến phần thiệt thòi thì người bệnh phải chịu, bà Phong Lan khẳng định, dư luận có quyền nghi ngờ ở đây có tiêu cực.
Nếu giá trần xây dựng ban đầu quá thấp thì đấu thầu sẽ thất bại, không mua được hàng nhưng nếu xây dựng giá trần quá cao thì lãng phí và tạo điều kiện để thông thầu, thổi giá. "Theo tôi, việc này Bộ Y tế, cụ thể là Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, phải đứng ra làm vai trò quản lý nhà nước của mình, thống kê giá của từng mặt hàng trên thị trường để làm căn cứ cho các bệnh viện quyết định.
Vẫn theo PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, các bệnh viện hoàn toàn có thể tham khảo lẫn nhau, nếu không làm được thì thông qua Bộ Y tế. "Rõ ràng, ở đây có sự tắc trách tạo ra kẽ hở cho nhiều vấn đề phát sinh”.
Bà Phong Lan thẳng thắn: “Cá nhân tôi muốn dừng thực hiện đấu thầu, nhưng nếu bắt buộc phải đấu thầu thì cơ quan nhà nước phải thể hiện vai trò, phải lọc giá làm cơ sở cho các bệnh viện tham khảo, định giá. Việc này, theo tôi, cần luật hóa. Còn để giải quyết dứt điểm tồn tại, chúng ta đã có cơ chế tự chủ cho bệnh viện thì sao không thực hiện khoán kinh phí và chỉ quản lý theo chỉ tiêu, ví dụ trong năm bệnh viện phải phục vụ một số lượng bệnh nhân cụ thể để tăng cường trách nhiệm của hội đồng mua sắm trong bệnh viện. Khi đã tự chủ rồi lẽ nào bệnh viện không tự mua được máy móc, thiết bị cho mình với giá hợp lý?"