Có một nghịch lý đang diễn ra, trong trường học, bộ môn lịch sử đang phải nhận nhiều áp lực, một bộ phận học sinh không thích học sử, điểm thi THPT quốc gia của môn sử thấp; nhưng trên thị trường sách, cũng chính những bạn đọc trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường, giảng đường lại là nhân tố chính, góp phần tạo nên một hiện tượng được gọi là “cơn sốt sách sử”.
Sách sử cứu cả nhà xuất bản
Bà Xuân Hạnh, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, nhớ lại, cách nay mấy năm, NXB lâm vào giai đoạn khó khăn, chủ yếu là do đơn vị không nắm được nhu cầu thị trường, nhất là khi các mảng sách văn học, du ký có dấu hiệu bão hòa. Đúng lúc đó, một tác giả Việt kiều gửi bản thảo một số đầu sách lịch sử, chủ đề là các nghiên cứu về giai đoạn vua Quang Trung. Tuy không đánh giá cao sức thu hút của sách có chủ đề lịch sử nhưng nhằm tạo ra sản phẩm, đơn vị vẫn tiến hành thực hiện và cho xuất bản cuốn sách. Bất ngờ, tác phẩm nhận được sự chú ý mạnh mẽ của bạn đọc, thậm chí liên tục là cuốn sách bán chạy nhất của NXB. Sau đó, lần lượt những tác phẩm tiếp theo cũng chủ đề lịch sử đã ra mắt và tiếp tục thành công, tạo động lực cho cả đơn vị.
Không chỉ giúp các đơn vị xuất bản, sách sử - mảng sách vốn trước nay bị cho là khô khan, đã và đang mang lại tên tuổi cho các tác giả của nó. Cuốn sách thuần nghiên cứu Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức là một ví dụ điển hình. Từ một công trình nghiên cứu dạng đề án, hoàn chỉnh in thành sách của một nhà nghiên cứu còn rất trẻ, tác phẩm nhận được sự quan tâm chú ý của bạn đọc, trở thành cuốn sách nghiên cứu bán chạy nhất trong năm, đồng thời biến người viết thành một tác giả được nhiều bạn đọc biết đến. Một thành công hiếm có nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam có được khi ở độ tuổi đó.
Dũng Phan là một trường hợp đặc biệt hơn, thành lập trang mạng xã hội có tên gọi “The X file of History” (dựa theo tên bộ phim đề tài viễn tưởng huyền bí The X Files). Dũng Phan và bạn bè dùng nơi đây để kể lại những câu chuyện lịch sử theo kiểu bí hiểm, hay chính xác là khai thác đề tài lịch sử theo hướng hấp dẫn hơn. Trang mạng thành công, thu hút bạn đọc đến mức, sau đó một đơn vị liên kết của NXB Hội Nhà văn đã chủ động tìm đến và kết quả cuối cùng, tác phẩm Sử Việt 12 khúc tráng ca ra đời, trở thành cuốn sách sử ăn khách nhất nhì thời điểm ra mắt.
Hấp dẫn nhờ những chi tiết nhỏ
Một nhà sử học nổi tiếng thế giới từng nhận định, cuộc chiến Hạng Vũ với Lưu Bang nếu không có chi tiết nàng Ngu Cơ tự sát để chia tay Hạng Vũ có lẽ sẽ chỉ được các nhà sử học nhắc đến, thế nhưng, chi tiết đầy lãng mạn trong Sử ký Tư Mã Thiên đó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ đến tận ngày nay. Cũng từ đó, một giai đoạn lịch sử đã được nhiều người nhớ đến.
Tại Việt Nam, từng có một cuộc thăm dò trong trường học về đề tài lịch sử, giai đoạn nhà Lê có rất ít học sinh miêu tả, dù chỉ khái quát. Thế nhưng, hầu hết các em lại đều biết đến nhân vật Lê Lợi với tích trả kiếm cho rùa thần tại hồ Hoàn Kiếm. Một trong những lý do chính là do trước đó đã từng có một game online rất thành công với tên gọi Thuận Thiên kiếm (tên thanh kiếm trong truyền thuyết về vua Lê Lợi). Câu chuyện mang đậm tính huyền thoại về thanh kiếm đã góp phần không nhỏ tạo nên sự quan tâm của bạn đọc trẻ và từ đó có sự hiểu biết về những nhân vật lịch sử.
Đó cũng chính là những gì làm nên thành công của các cuốn sách sử thu hút bạn đọc vừa qua. Như ở Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức tiết lộ, trang phục quan lại một số nước xung quanh và Việt Nam ngày xưa có một điểm khác nhau rất rõ nét, đó là ở các nước rập khuôn theo trang phục quan lại Trung Quốc, còn Việt Nam lại có nhiều khác biệt. Điều này theo tác giả là do dù bị ép thần phục nhưng cha ông ta luôn có tư tưởng vùng lên, chưa thể hiện được trên chiến trường thì thông qua trang phục, họ khẳng định tính độc lập của mình. Hay như ở trong Con chim phụng cuối cùng của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa (NXB Hội Nhà văn) khai thác cuộc đời của những người phụ nữ trong dòng chảy biến động của lịch sử, từ công chúa Ngọc Châu hay Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tác giả không đi theo việc miêu tả lại lịch sử, mà chỉ cố gắng tái hiện câu chuyện dưới con mắt những người phụ nữ.
Ngay cả với dòng sách thuộc dạng huyền sử cũng được tái hiện với cách thể hiện mới, như trường hợp cuốn Lĩnh Nam chích quái (NXB Kim Đồng). Đây là tác phẩm chuyên viết về những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại ra đời vào khoảng cuối thời nhà Trần. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đây là một trong những tác phẩm chiếm giữ vị trí quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Thế nhưng, do tính chất cổ văn khó đọc, khó hiểu nên sau này, sách chủ yếu lưu hành trong giới học thuật. Với phiên bản mới được hiệu chỉnh về mặt văn phong và đặc biệt là được in cùng với hơn 200 bức tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long, tác phẩm nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Các bức tranh có hình thức mô phỏng phong cách tranh khắc gỗ dân gian, nhưng lại có cách thể hiện theo kiểu mới, với các nét vẽ mạnh mẽ hiện đại. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm văn học cổ và trung đại nổi tiếng có tranh minh họa màu mới lạ như thế.
Cơn sốt dòng sách có đề tài lịch sử vẫn chưa dừng lại, gần như mỗi tháng hay thậm chí là mỗi tuần, đều có những tác phẩm mới ra đời. Tất cả cho thấy tình yêu với đề tài lịch sử chưa bao giờ dừng lại, chỉ có điều để thu hút người đọc, nhất là người đọc trẻ, sách sử đã phải tự tìm cho mình một cách thể hiện gần gũi, hấp dẫn hơn.