Trong lúc người dân cả nước chưa hết bàng hoàng sau vụ xe container tông hàng loạt xe máy làm 4 người chết và 20 người bị thương tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) thì chiều 21-1, tại huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khác - xe tải tông vào nhóm người đi bộ trên lề đường khiến 7 người chết tại chỗ, một người chết tại bệnh viện.
Hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên liên tiếp xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng, đều do tài xế sử dụng ma túy gây ra khiến dư luận khắp nơi không khỏi bất an, lo lắng khi ra đường. Xót xa, thương tiếc các nạn nhân xấu số, tử vong bao nhiêu, dư luận càng bức xúc, căm phẫn các tài xế bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người khác bấy nhiêu, nhất là với hành vi sử dụng ma túy, chất kích thích trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông.
Trên thực tế, có không ít vụ TNGT thương tâm xảy ra do tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích. Sau mỗi vụ tai nạn như vậy, chính quyền, ngành chức năng từ địa phương đến Trung ương đồng loạt triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn, trong đó có các giải pháp căn cơ như: tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người điều khiển phương tiện; tăng cường xử lý vi phạm… Song, hiệu quả từ các giải pháp sau đó vẫn không được phát huy. Điều này được thể hiện rõ khi số vụ số vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn ở mức cao, liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Vậy đâu là nguyên do?
Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự giao thông năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội và 63 điểm cầu địa phương trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, TNGT gây hậu quả nghiêm trọng diễn biến phức tạp là do địa phương, ngành chức năng chưa nhận diện và giải quyết được gốc của vấn đề bất cập, tồn tại; chưa quyết liệt trong thực hiện các giải pháp. Đơn cử, hành vi sử dụng chất kích thích, ma túy của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện là hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến TNGT nghiêm trọng. Thế nhưng để ngăn chặn hành vi này, trước đây nhiều lực lượng chức năng chỉ xử lý mỗi tài xế vi phạm, “quên” xử lý doanh nghiệp vận tải chủ quản.
Trong khi đó, ở một số trường hợp, chủ doanh nghiệp là đối tượng ép tài xế vi phạm (buộc tài xế chạy nhiều chuyến, tài xế phải sử dụng chất kích để không buồn ngủ). Thậm chí, khi tài xế vi phạm, chủ doanh nghiệp còn đóng phạt giúp. Tồn tại này đã góp phần khiến đối tượng vi phạm “lờn luật”, làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là xử lý nghiêm hành vi sử dụng ma túy, chất kích thích đối với tài xế được xem là giải pháp căn cơ, trọng tâm để kéo giảm TNGT, thế nhưng việc thực hiện giải pháp này ở nhiều địa phương, đơn vị thời gian qua có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, bỏ ngỏ. Thường sau mỗi vụ TNGT nghiêm trọng, nhiều cơ quan, đơn vị liên quan mở đợt cao điểm xử lý vi phạm, huy động 100% quân số ra quân rầm rộ; cam kết tuần tra, chốt chặn, kiểm tra, phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, việc lập chốt, đo nồng độ cồn, xử lý vi phạm chỉ quyết liệt trong vài ngày đầu (khi có báo chí, cơ quan truyền thông tham gia tuyên truyền), sau đó thì… “liệt” luôn! Vi phạm tiếp tục phát sinh, gia tăng, TNGT nghiêm trọng lại xảy ra. Vòng luẩn quẩn “TNGT nghiêm trọng… hô hào ra quân xử lý… TNGT nghiêm trọng” cứ diễn ra. Đáng ngại hơn, nắm được tồn tại này, khi biết có đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, không ít doanh nghiệp vận tải, tài xế lại đối phó bằng cách ngưng hoạt động, kêu gọi các tài xế vi phạm khác dừng tham gia giao thông. Lúc này, giải pháp xử lý vi phạm chẳng những không phát huy hiệu quả mà còn tác dụng ngược, “lờn” luật.
Tại TPHCM, ngay sau khi vụ TNGT do xe container làm 4 người chết ở Bến Lức (Long An), Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) - Công an TPHCM mở đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất kích thích. Động thái này của Phòng PC08 - Công an TPHCM được cho là cần thiết để ngăn ngừa các vụ TNGT nghiêm trọng tương tự xảy ra, nhất là ở thời điểm cuối năm. Kết quả sau 5 ngày thực hiện trên toàn thành phố, PC08 cho biết không phát hiện trường hợp tài xế sử dụng chất ma túy (?!).
Trong khi đó, cùng thời gian này, Công an quận Thủ Đức tổ chức kiểm tra ở phường Trường Thọ đã phát hiện, xử lý gần 20 trường hợp tài xế xe tải, xe container vi phạm sử dụng ma túy trong quá trình điều khiển phương tiện. Người dân luôn ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng công an trong việc đảm bảo trật tự giao thông, tuy nhiên trước những con số khập khiễng, nơi xử nhiều, nơi không phát hiện, hẳn không khỏi hoài nghi về kết quả xử lý. Để người dân đi lại được thuận tiện, an toàn, TNGT không xảy ra, thiết nghĩ ngay lúc này, từng cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông phải nhìn rõ vào thực tế, lấy tính mạng người dân làm trọng trong thực thi nhiệm vụ. Có như vậy, thảm họa TNGT mới không tiếp diễn.