Lý do cũng đơn giản. Khá nhiều người Việt ở đây chọn chuyên ngành kế toán để đào tạo lại hoặc học nghề tiếp vì đây là một trong những nghề dễ tìm việc (đang thiếu nhân lực) ở Bỉ. Một chị bạn trước làm nghề viết như tôi đã chuyển sang học kế toán và tìm được việc làm ngay tại Brussels.
Hỏi thì chị bảo: “Cứ học đi sẽ biết cái hay của việc đi tìm sự cân bằng trong cuộc sống”. Theo thống kê của taxfoundation.org, Bỉ đánh thuế thu nhập cá nhân tới 53,5%, vẫn chưa thuộc tốp ba nước có thuế thu nhập cao nhất trong số các quốc gia thành viên OECD ở châu Âu là Đan Mạch (55,9%), Pháp (55,4%) và Áo (55%). Người lao động khai thuế, chấp nhận trả thuế cao bao nhiêu năm như vậy, rõ ràng cần biết tiền thuế sẽ chảy đi đâu?
Nhà sẵn có sách giáo khoa nhập môn kế toán cơ bản của con gái vừa tốt nghiệp trung học để lại, tôi ôm luôn đến trung tâm đăng ký học. Học rồi mới hiểu hơn về những tiếng “kêu như cháy đồi” của đồng hương kinh doanh nhà hàng, siêu thị... khi đến kỳ khai thuế, bị phạt trả thuế muộn, bị mất tiền hoàn thuế cả nhiều ngàn EUR vì những lý do quá chủ quan. Học rồi mới thấy bức tranh xã hội nơi mình đang sống được phản ánh khá sắc nét qua thuế và tiền thu từ thuế.
Với nhan đề: “Chúng ta trả 242 tỷ EUR tiền thuế cho chính phủ liên bang. Số tiền đó đi đâu?”, bản tin phát trên đài VRT của Bỉ lập tức nhận được 26.000 lượt xem và hơn 100 bình luận rất chi tiết. Cụ thể, từ 242 tỷ EUR này, chính phủ chỉ chi 4 tỷ (1,7%) cho quốc phòng, 0,9 tỷ (0,04%) cho nhập cư, 2,5 tỷ (1,03%) cho pháp luật. Ba khoản này mới đáng chú ý và chiếm phần lớn chi tiêu từ tiền thuế: đứng đầu là lương hưu (59,9 tỷ - tương đương 25%), y tế (43,3 tỷ - 17,8%) và giáo dục (31,6 tỷ - 13%). Một bộ phận người gốc Việt làm công ăn lương ở đây cũng xôn xao bàn tán về tin này. “Tiền thu từ thuế phần lớn dùng để trả lương hưu chứng tỏ dân số già ngày càng cao, chẳng trách Chính phủ Pháp cương quyết nâng tuổi hưu”. Chị bạn làm điều dưỡng viên lạc quan: “Nhìn những con số này khi đến tuổi già là thấy yên tâm về điều kiện chăm sóc sức khỏe, lương hưu ở Bỉ rồi”...
Còn tôi, ngồi trong lớp giở sách nhập môn kế toán dành cho bậc trung học ra, loay hoay lập bảng cân đối kế toán, vỡ dần điều thú vị mà chị bạn đồng hương đang làm kế toán ở Brussels nói ở trên. Hẳn có lý khi một đứa trẻ được học cách đánh giá mức độ tự chủ và dự trù rủi ro từ sớm trước khi rời ghế trung học. Cuộc sống nào có khác gì một bảng cân đối kế toán, cả giá trị hữu hình và vô hình. Phải xác định cái gì là quan trọng để ưu tiên đầu tư thời gian và tâm sức, bớt đi những chuyện vô bổ hoang phí mới tìm được giá trị đích thực của cân bằng.