Tiếp thu ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của quy định “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi”, vì việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” là rất khó khả thi, dự thảo Luật Đấu giá (sửa đổi) trình Quốc hội chiều 8-11 đã quy định, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá”.
Liên quan đến quy định về “nộp tiền đặt trước” trong dự thảo Luật Đấu giá (sửa đổi) trình Quốc hội chiều 8-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (Khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
“Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá”, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định mức tiền đặt trước đối với trường hợp đấu giá quyền thuê đất trả tiền hàng năm, đơn giá thuê đất thấp dẫn đến số tiền đặt trước trong trường hợp này (tối thiểu 10% và tối đa 20%) là rất thấp.
Một nội dung mới khác đáng lưu ý trong dự thảo Luật Đấu giá (sửa đổi) là việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô sẽ được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội cho đến khi nghị quyết này hết hiệu lực thi hành hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về đấu giá biển số xe ô tô.