Là quận đi đầu trong việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, UBND quận 1 (TPHCM) đã có giải pháp sắp xếp cho người bán hàng rong có chỗ buôn bán ổn định bằng cách tổ chức các khu phố hàng rong. Vài tuyến phố hàng rong đã đi vào hoạt động và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình này đang bị trì hoãn, khiến nhiều người bán hàng rong lo lắng về cơ hội có chỗ kinh doanh ổn định.
Yên ổn mưu sinh
Tháng 4-2017, UBND quận 1 khai trương phố hàng rong ở Công viên Bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé), nhưng phố hàng rong này chỉ hoạt động được chừng hơn 1 tháng thì ngưng khiến nhiều người tiếc nuối.
Cuối tháng 8-2017, UBND quận 1 đưa phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (cùng thuộc phường Bến Nghé) vào hoạt động. Đến nay 2 phố hàng rong này vẫn hoạt động ổn định.
Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm hoạt động theo 2 khung giờ, sáng từ 6 đến 9 giờ, trưa từ 11 đến 14 giờ với 20 gian hàng, giúp 40 hộ kinh doanh ổn định, không còn phải hối hả thu vội bàn ghế khi thấy cơ quan chức năng đi kiểm tra để mặc khách của mình đứng cầm tô, chén đồ ăn chưng hửng giữa vỉa hè.
Anh Trương Thế Vinh, đang bán ở phố hàng rong này cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã buôn bán ổn định, khách ngày càng đông. Địa phương cũng tạo điều kiện, vừa hướng dẫn về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa điều chỉnh cách buôn bán trật tự để không lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng đến giao thông và môi trường”.
Là khách hàng quen thuộc của phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, chị Phạm Nguyễn Hà Vy, nhân viên văn phòng tại quận 1 nhận xét: “Ngày trước, tụi tôi cứ phải tính đến chuyện trưa ăn gì, ăn ở đâu cho gần chỗ làm và vừa túi tiền. Kể từ khi có phố hàng rong, dân văn phòng ở khu vực này dễ dàng tìm được nơi ăn uống với nhiều món ăn, giá bình dân từ 10.000 đến 30.000 đồng/phần, nên chúng tôi ưng ý lắm. Ăn ở đây sạch sẽ, người bán cũng chu đáo”.
Còn phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp hoạt động từ 6 giờ đến 14 giờ mỗi ngày, với 15 quầy hàng, tạo điều kiện cho 30 hộ kinh doanh ổn định.
So với các phố hàng rong hình thành trước, nơi đây được đầu tư kỹ lưỡng hơn với quầy bán hàng, dù che, bàn ghế gỗ đẹp mắt.
Nhờ có không gian là công viên sạch sẽ, thoáng mát, lại gần bảo tàng, thư viện và các điểm tham quan, nên khu ẩm thực này nhanh chóng thu hút được nhiều khách tới ăn uống, nhất là du khách nước ngoài.
Lỡ hẹn khai trương
Hiện mới chỉ 70 hộ được giải quyết chỗ kinh doanh trong phố hàng rong, một con số quá nhỏ so với hàng ngàn gánh hàng rong đang mưu sinh trên các vỉa hè tại quận 1.
Nhiều người bán hàng rong đang rất trông mong được vào các khu phố hàng rong để có cơ hội buôn bán ổn định.
Cuối năm 2017, UBND quận 1 đưa ra hàng loạt kế hoạch mở thêm các phố hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (phường Phạm Ngũ Lão), Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Nghĩa (phường Bến Thành), Phan Văn Trường (phường Cầu Ông Lãnh)…
Theo đó, tháng 11-2017 đưa vào hoạt động phố hàng rong thứ 3 tại đường Nguyễn Thái Học; đoạn vỉa hè bên hông Trường THPT Ernst Thalmann, vị trí đã được dọn dẹp sạch sẽ, lát gạch, sơn mới tường bao và chia ô, sẵn sàng bàn giao cho các hộ kinh doanh.
Nhưng đến nay, sau gần 1 năm chỉnh trang, phố hàng rong đường Nguyễn Thái Học vẫn bị bỏ ngỏ. Mỗi sáng nơi đây có vài người đem xe đẩy, bàn ghế ra bán đồ ăn sáng một cách tự phát, một số bán gọn trong vỉa hè, cũng có người bày ra sát lòng đường hoặc chiếm dụng cả nhà chờ xe buýt ở khu vực này để bày bán.
Còn ở các điểm khác như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa và Nguyễn Thị Nghĩa vẫn chưa ghi nhận được sự chuẩn bị cho phố hàng rong như dự định.
Trước đó, từ năm 2016, UBND phường Cầu Ông Lãnh cũng nhiều lần có kế hoạch đưa lề đường Phan Văn Trường thành khu buôn bán có quy hoạch, được địa phương sắp xếp quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Chị Vũ Thị Bình, bán hàng rong tại đường Trần Hưng Đạo băn khoăn: “Tôi nghe bảo quận sẽ mở phố ẩm thực ở đây và mấy vỉa hè quanh khu vực này, mà sao chưa thấy thông báo gì hết. Tôi trông có mở thì đăng ký một suất để buôn bán ổn định nuôi con, chứ nay bị tịch thu đồ, mai bị xua đuổi cũng cực quá”.
Anh Dương Hải Lưu (ngụ đường Nguyễn Thái Học) cho rằng những việc làm thiết thực hỗ trợ người dân thì quận cần sớm nhân rộng, tiến độ đến đâu cần thông tin rõ ràng để người dân có kế hoạch mưu sinh.
Để tìm hiểu nguyên nhân phố hàng rong trễ hẹn với người dân, và kế hoạch mở rộng mô hình phố hàng rong trên địa bàn quận, Báo SGGP đã liên hệ với UBND quận 1 nhưng hơn nửa tháng nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND quận 1.