Ngày 29-11, hơn 600 doanh nghiệp (DN) đã tham gia đối thoại về chính sách thuế và hải quan với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Các ý kiến của DN tại đối thoại cho rằng, thủ tục hành chính tại các cửa khẩu hải quan, chi cục thuế đã có nhiều cải cách theo hướng thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, tình trạng thay đổi thường xuyên quy định, chính sách thuế, hải quan khiến DN không bắt nhịp kịp, tạo kẽ hở để cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu.
Nan giải kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hoàn thuế
Tổng hợp ý kiến khó khăn của DN, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, những chính sách thuế thay đổi nhanh nhưng thông tư hướng dẫn lại ban hành chậm so với thời hạn hiệu lực thi hành của chính sách, làm cho DN phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, rất mất thời gian. Mặt khác, giữa các quy định, các luật thiếu sự thống nhất, đồng bộ đã tạo kẽ hở cho các cán bộ thực thi tùy tiện gây khó khăn cho DN.
Một vấn đề khác, mức thuế áp dụng cao, nhất là liên quan đến DN hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo đó, DN phải đóng 30% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng và 25% thuế thu nhập. Không những thế, DN còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những chính sách liên quan như giá thuê đất tăng quá nhanh dẫn đến rủi ro đầu tư quá lớn.
Tình trạng thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều bất cập. Rất nhiều DN bị thanh tra, kiểm tra thuế chậm sau 5 - 10 năm. Doanh nghiệp vẫn bị tính phí nộp chậm nếu phát hiện sai sót. Thậm chí, cán bộ kiểm tra thuế kiểm tra sau không chấp nhận kết quả của cán bộ thuế đã kiểm tra trước đó. Kết quả là DN vẫn phải chịu truy thu thuế. Điều này không công bằng cho DN vì đó là lỗi của cán bộ thuế, không phải do DN. Không chỉ vậy, DN vừa và nhỏ không thể có nhân sự đáp ứng yêu cầu kiểm tra đi kiểm tra lại của cơ quan thuế. Nhiều DN cho rằng cần phải công bằng giữa DN và cơ quan thực thi pháp luật bởi DN nộp thuế chậm bị phạt nhưng nhà nước hoàn thuế chậm thì không phạt.
Hội tư vấn thuế cho biết, với cơ sở kinh doanh nhỏ thường bị cán bộ thuế hành nhiều hơn DN lớn và DN nước ngoài. DN thắc mắc, cán bộ thuế thường trả lời chung chung, dẫn chứng nghị định, thông tư, tránh né trả lời trực tiếp, cố tình trả lời chậm trễ. Không chỉ vậy, việc thực thi pháp luật có sự khác nhau do cán bộ cố tình buộc DN phải phát sinh chi phí ngoài.
Ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Tư vấn thiết kế Dega, cho biết công ty thực hiện đầu tư dự án tại Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được cơ quan chức năng xác nhận được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% trong 6 năm tiếp theo. Thế nhưng, gần 10 năm sau, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra DN và cho rằng chính sách miễn giảm thuế áp dụng trước đây là sai và DN phải bị truy thu thuế. Điều này không hợp lý vì việc miễn giảm thuế đã được các cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận. Trong trường hợp cơ quan chức năng chứng nhận sai thì không thể buộc DN phải gánh chịu.
Liên quan đến hải quan, các DN cho rằng những thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là điểm nghẽn. Đơn cử, trường hợp công ty nhập lon về đóng thực phẩm chế biến chỉ nhập một số lon mẫu để kiểm nghiệm chất lượng nhưng vẫn phải bị kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan, gây khó và lãng phí cho DN.
Tăng cường khai thuế, hải quan điện tử
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, tính từ đầu năm đến nay, tổng cục đã phải trả lời 21.500 văn bản. Điều này cho thấy, thắc mắc của DN rất lớn. Riêng về những kiến nghị của các DN, Tổng cục Thuế cũng như Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện rà soát và yêu cầu các chi cục thuế, hải quan liên quan xử lý phù hợp và thỏa đáng.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, ngoài những trường hợp cụ thể kiến nghị tại buổi đối thoại, các cơ quan thuế và hải quan cần rà soát sửa đổi văn bản dưới luật, đơn giản hóa các quy định và phải có lộ trình áp dụng, giải thích rõ ràng cho DN. Các cơ quan chức năng cũng phải nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển sang điện tử hóa hoạt động kê khai thuế, hải quan điện tử của DN.
Riêng về việc làm thế nào để giảm tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ hải quan, thuế với DN, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh, hiện bộ đang áp dụng các giải pháp luân chuyển cán bộ thực thi kết hợp tăng cường điện tử hóa thủ tục kê khai thuế và hải quan, giảm DN tiếp xúc với cán bộ thuế, hải quan, tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý cán bộ thực thi công vụ…