Còn nhiều “lỗ hổng” trong công tác kiểm tra, giám sát về thuốc

Ngày 7-5, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM có buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược với một số sở ngành, bệnh viện và một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM khảo sát một nhà thuốc trên địa bàn quận Tân Phú. Ảnh: QUANG HUY
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM khảo sát một nhà thuốc trên địa bàn quận Tân Phú. Ảnh: QUANG HUY

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở y tế

Báo cáo tại buổi khảo sát, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố có 129 bệnh viện, 22 trung tâm y tế, 310 trạm y tế và 8.044 phòng khám tư nhân. Các bệnh viện của thành phố có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến điều trị cuối của khu vực phía Nam. Trong năm 2023, các cơ sở y tế đã khám chữa bệnh cho gần 38,6 triệu lượt người ngoại trú (tăng 11,5% so với năm 2022) và trên 2,3 triệu trường hợp điều trị nội trú (tăng 4,1% so với năm 2022).

z5404906991808_4e26b2972c86f0957e82069b5bfff2eb.jpg
Đại diện Phòng Dược, Sở Y tế TPHCM, thành viên đoàn khảo sát Ban VH-XH HĐND TPHCM kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc với hoá đơn bán cho người mua tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Tân Phú. Ảnh: QUANG HUY

Về hệ thống phân phối thuốc trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có 1.202 doanh nghiệp bán buôn và 6.529 nhà thuốc đảm bảo cung ứng thuốc trên toàn thành phố, bao phủ rộng khắp các địa bàn, kể cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, xã đảo. Việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, sản lượng thuốc tiêu thụ tại thành phố chiếm từ 25%-30% của cả nước. Do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.

Để công tác mua sắm, đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế… cung cấp cho các cơ sở y tế công lập, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, thành phố có thuận lợi khi trên địa bàn có 43 nhà máy sản xuất dược phẩm (chiếm khoảng 15% tổng số nhà máy trong cả nước), các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm).

Công tác đấu thầu thuốc được quản lý chặt chẽ, tuân thủ đúng theo các quy định.

Riêng đối với gói thầu tập trung cấp địa phương, năm 2022, UBND TPHCM giao cho Bệnh viện Hùng Vương thực hiện và có kết quả lựa chọn nhà thầu vào quý 1-2023. Kết quả có 278 mặt hàng thuốc trúng thầu trong tổng số 315 mặt hàng thuốc mời thầu; tổng giá trị trúng thầu trên 1.480 tỷ đồng (tổng giá trị mời thầu là gần 1.619 tỷ đồng).

Bà Phạm Khánh Phong Lan.jpg
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: QUANG HUY

Hàng trăm đơn vị vi phạm

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, từ năm 2022 đến nay, sở (trước đây là Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM) đã ban hành 526 văn bản triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó, năm 2022 là 200 văn bản, năm 2023 là 279 văn bản, quý 1-2024 là 47 văn bản; tổ chức được 145 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm với 13.592 người tham gia. Đồng thời thực hiện công tác rà soát, tổng hợp các nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website và mạng xã hội.

Chỉ tính riêng trong năm 2023 đến hết quý 1-2024, sở rà soát được 18.790 sản phẩm, qua đó phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, xác định được chủ thể vi phạm, chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát. Buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2.032 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; phát hiện 4 cơ sở vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (4 cơ sở); vi phạm về ghi nhãn. Trong năm 2023 và hết quý 1-2024, chưa phát hiện hành vi vi phạm của cơ sở nào.

Việc lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc cũng gặp khó khăn. Không có chuẩn dược liệu để đối chiếu nên khó khăn trong việc lấy kiểm định mẫu. Chưa có nhân lực chất lượng riêng về dược liệu. Không riêng gì thuốc, thị trường thực phẩm chức năng cũng vấp phải rất nhiều vấn đề. Trong sản xuất vẫn còn tàn tích của “công nghệ xô chậu” nên tồn tại hàng giả, hàng nhái. Trong khi tâm lý của người dân là đắt thì tốt, nhiều người mua thực phẩm phải trả giá cao hơn giá trị thực.

“Một vấn đề khó khăn trong xử lý sai phạm là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng chỉ là văn phòng đại diện. Một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế trong việc liên hệ với chủ cơ sở. Đó còn là sự chồng chéo giữa Sở An toàn thực phẩm TPHCM với các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như Sở Y tế hoặc các phòng y tế tại các địa phương, đặc biệt là trong công tác kiểm tra”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nói.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo, qua quá trình thanh kiểm tra cho thấy, đa số thực phẩm chức năng được bán ở các nhà thuốc, tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm quảng cáo quá sự thật, coi thực phẩm chức năng như là thuốc điều trị bệnh. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo đài chính thống tương đối vừa phải, trật tự. Trong khi trên môi trường mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang web... vẫn còn tình trạng trà trộn quảng cáo sai sự thật. Khi cơ quan chức năng xử lý, những cá nhân, chủ thể này không nhận sai. Trước mắt, người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách khi mua thực phẩm chức năng nên xem rõ nguồn gốc, số đăng ký… Nếu có nghi ngờ về chất lượng sản phẩm thì cần kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi qua công tác khảo sát vừa qua cho thấy có nhiều “lỗ hổng” trong công tác kiểm tra, giám sát về thuốc, giá thuốc… Đặc biệt tỷ lệ nhập khẩu thuốc của nước ngoài ở các doanh nghiệp rất lớn, nhưng bao bì, nhãn mác không rõ ràng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Các đại biểu đề xuất khi phát hiện doanh nghiệp, cơ sở vi phạm cần phải xử lý nghiêm để răn đe; thu hồi và nêu tên các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, doanh nghiệp, cơ sở sai phạm. Đồng thời có cơ chế, giải pháp nhằm phát triển ngành dược liệu, doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước để khuyến khích họ phát triển những loại thuốc hiếm, đặc trị, giá cả hợp lý để người dân được hưởng lợi.

Ông Tăng Hữu Phong.jpg
Đại biểu Tăng Hữu Phong phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: QUANG HUY

Đại biểu Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng lưu ý, qua các buổi khảo sát ở cơ sở, thành viên đoàn nhận thấy có nhiều vấn đề cần được giám sát chặt hơn trong việc cung ứng thuốc để đảm bảo người bệnh, cơ sở y tế phải được hưởng lợi nhất, đảm bảo đủ thuốc trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố có trên 7.000 doanh nghiệp, cơ sở cung ứng thuốc ra thị trường, nhưng riêng về thuốc y học cổ truyền còn quá ít khi mới chỉ có trên 300 nhà thuốc, trong khi nhu cầu của người dân về sử dụng thuốc Nam, Đông y trong phòng chống bệnh có nhu cầu rất cao. Tiếp đó, một số doanh nghiệp dược có “thương hiệu” đang độc quyền cung cấp thuốc, do vậy có chuyện doanh nghiệp bắt tay với bệnh viện để nâng giá thuốc cao bất thường so với thị trường…

“Với thuốc, người dân khi mua không được trả giá, người bán nói bao nhiêu người dân cũng phải mua, vậy Sở Y tế TPHCM sẽ có tham mưu như thế nào cho thành phố trong công tác này để kiểm soát được đúng giá thị trường?” đại biểu Tăng Hữu Phong đặt vấn đề.

Ông Cao Thanh Bình.jpg
Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình kết luận tại buổi khảo sát. Ảnh: QUANG HUY

Kết luận tại buổi khảo sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết không hài lòng khi một số sở ngành được mời dự, có trách nhiệm thông tin như Sở TT-TT TPHCM, Công an TPHCM vắng mặt không có lý do, thể hiện việc chưa nghiêm túc với chuyên đề khảo sát này của HĐND TPHCM. Ông khẳng định, buổi khảo sát có sự tranh luận, góp ý thẳng thắn của đại biểu, giúp cho ban có nhiều thông tin hữu ích và sẽ được tổng hợp đưa vào tranh luận tại buổi thảo luận chuyên đề, dự kiến được tổ chức vào ngày 19-5 tới.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, trong gần 7.600 doanh nghiệp, nhà thuốc trên địa bàn, Sở Y tế TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra được 261. Qua đó, phát hiện 117 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 3,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 4 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 9 cơ sở và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 1 cơ sở.

“Tuy nhiên kết quả này còn thấp, dù từ cấp thành phố đến địa phương có đủ các tổ, cơ quan liên ngành”, BS Nam thừa nhận và cho rằng, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Tin cùng chuyên mục