Còn nhiều hạn chế trong chính sách, pháp luật phòng chống tác hại của thuốc lá

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ủy ban Xã hội tiến hành giám sát, xây dựng báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hàng năm gửi Quốc hội. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Ảnh minh họa)
Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Ảnh minh họa)

Phiên giải trình về “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” được Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay, 4-5. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến dự và phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao việc Ủy ban Xã hội (trước đây là Ủy ban Về các vấn đề xã hội) có sáng kiến tổ chức thực hiện việc giám sát về vấn đề này thông qua các phiên giải trình từ năm 2010 đến nay, với tổng cộng 17 phiên giải trình.

“Các phiên giải trình của Ủy ban Xã hội đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nhiều nội dung của phiên giải trình đã làm cơ sở để đưa vào quy định pháp luật, các quyết sách của Quốc hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khái quát.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.

Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh; tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh…

Trong khi đó, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.

- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Gợi ý thảo luận, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu gửi thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này; kiến nghị cụ thể, rõ ràng để hoàn thiện pháp luật, bảo đảm về tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Sau phiên giải trình này, đề nghị lãnh đạo các bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội phải giám sát, xây dựng báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hàng năm gửi kỳ họp Quốc hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ đạo.

Tin cùng chuyên mục