Gửi đến Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, báo cáo của UBTVQH ngày 20-5 cho biết, đã có gần 3.400 kiến nghị được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: y tế; lao động, thương binh và xã hội; nông nghiệp - nông thôn; nội vụ; giao thông - vận tải; tài nguyên và môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.
UBTVQH nhận định, nhìn chung, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.
Một số kiến nghị cụ thể đã được các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế.
Trong đó, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng như về chính sách bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu; cấp ra-đi-ô cho các đối tượng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới…
Đáng lưu ý, một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết.
Nêu ví dụ cụ thể, UBTVQH cho biết, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 (hướng dẫn áp dụng một số biện pháp quản lý đặc thù tại khu vực biên giới) để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và các văn bản quy phạm pháp luật) hiện hành.
Khi nghiên cứu để giải quyết kiến nghị cử tri, quan điểm của Bộ Công thương chưa thống nhất. Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công thương thừa nhận “việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 là cần thiết… xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ thực hiện thủ tục công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28, đồng thời nghiên cứu xây dựng văn bản mới quy định về kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.
Tuy nhiên, khi giải trình với UBTVQH, Bộ Công thương lại cho rằng hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới hiện nay đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, do đó, Bộ Công thương không đề xuất xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 28. Như vậy, nội dung trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn và nội dung báo cáo UBTVQH là không thống nhất.
Cùng với đó, một số văn bản bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết. Như, cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cho rằng tại Nghị định số 81 đã quy định cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện ngay sau khi Nghị định được ban hành nên không cần ban hành thông tư hướng dẫn. Qua giám sát cho thấy, tại Nghị định số 81, Chính phủ đã giao bộ này theo thẩm quyền phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81. “Trả lời của bộ là chưa phù hợp với quy định nêu trên”, UBTVQH nhận định và đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 81.