Ngày 26-11, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học về sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Hội thảo bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, được thiết kế chia thành 2 phiên với sự tham gia của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về pháp luật thanh tra và những người làm công tác thực tiễn từ các cơ quan như Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo, Thanh tra Bộ xây dựng, Thanh tra các tỉnh, thành...
Vì vậy, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người làm công tác thực tiễn cùng nhau thảo luận về quy định của pháp luật hiện hành và những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trong thời gian tới.
PGS-TS Vũ Văn Nhiêm cho biết, hội thảo tập trung vào các vấn đề: đánh giá sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thanh tra; làm rõ những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thanh tra; nghiên cứu về những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thực hiện; đưa ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra và góp ý trực tiếp Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tại hội thảo, TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nêu những chính sách lớn trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Góp ý sửa đổi Luật Thanh tra, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM, phân tích, sau 10 năm triển khai Luật Thanh tra 2010, ngành thanh tra đã tiến hành hơn 1,3 triệu cuộc thanh tra, trong đó có 96% là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Điều này chứng tỏ tầm quan trọng, cần thiết của hoạt động thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, dự thảo Luật Thanh tra (ngày 18-8-2021) tiếp tục đưa ra khái niệm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng phần hoạt động thanh tra lại chỉ quy định về một quy trình thanh tra chung – đó là quy trình thanh tra tiến hành theo phương thức đoàn thanh tra, mà không hề có sự phân biệt giữa quy trình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí cho rằng, hoạt động thanh tra chuyên ngành cần phải được điều chỉnh trực tiếp trong Luật Thanh tra với yêu cầu cần phải quy định rõ hơn nữa nhằm phù hợp với đặc thù và thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành, đảm bảo không có sự nhập nhằng, trùng lắp, khó phân định với hoạt động thanh tra hành chính.
Đối với tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí đề nghị cần tách chế định Thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra, và được điều chỉnh bằng một văn bản riêng có thể là Luật Giám sát của nhân dân.
Khi đó, Luật Thanh tra giải thích thuật ngữ “thanh tra” không còn khiên cưỡng nữa mà sẽ thuần túy ở khía cạnh tranh tra là một khâu cơ bản trong quản lý nhà nước. Đồng thời, điều này cũng sẽ nâng tầm quan trọng hoạt động giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.
Hiện nay, thanh tra và kiểm tra là khâu cơ bản trong chu trình quản lý nhà nước. Tuy nhiên, rất khó phân định rạch ròi giữa thanh tra và kiểm tra.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí cũng nêu câu hỏi: “Tiêu chí nào để tiến hành thanh tra, tiêu chí nào để tiến hành kiểm tra? Nội dung, hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giữa thanh tra và kiểm tra khác nhau như thế nào?”.
Theo chuyên gia, Luật Thanh tra sửa đổi cần đưa chế định kiểm tra vào thành một nội dung điều chỉnh quan trọng bên cạnh tổ chức và hoạt động thanh tra. Khi đó, nên cấu trúc lại Luật Thanh tra sửa đổi thành Luật Thanh tra, kiểm tra. Bởi, nếu không làm bây giờ thì tương lai gần, chúng ta cũng phải luật hóa hoạt động kiểm tra trong quản lý nhà nước, đây là điều tất yếu.
Tham gia góp ý, TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng Phòng Hành chính – Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, cho rằng, việc nhập chức năng tiếp công dân và quản lý trụ sở tiếp công dân vốn đang thuộc quyền quản lý của UBND về cho cơ quan thanh tra với lý do nhằm “tạo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước của Thanh tra tỉnh, huyện đối với hoạt động tiếp công dân; tạo sự liên thông, đồng bộ trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo” như dự thảo đưa ra là chưa hợp lý.
Bởi lẽ, từ góc độ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động tiếp công dân, việc để trụ sở tiếp dân thuộc UBND sẽ đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp, hơn là đưa về thuộc quyền quản lý của cơ quan thanh tra.
"Việc chuyển trụ sở về cơ quan thanh tra hay để lại UBND thì cơ quan thanh tra vẫn thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chủ tịch UBND và phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra; nhưng, chuyển về thuộc quyền quản lý của cơ quan thanh tra sẽ giảm hiệu quả của việc thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong tiếp công dân”, TS. Phạm Thị Huệ phân tích.