1. “Thằng Tèo đâu? Sao mấy tuần nay học hành bết bát, cô giáo gọi mắng vốn đây này. Nhìn thằng Méo kìa, bố mẹ bận làm suốt ngày mà nó học giỏi, được nhà trường tuyên dương đấy. Còn mày thì dốt lắm con ạ…”, chị Nguyễn Hương, ngụ đường Tân Sơn, quận Tân Bình (TPHCM), vừa gọi vừa mắng cậu con trai 8 tuổi. Hàng xóm nghe xong cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, xem đó là chuyện cơm bữa của nhà này.
Cuối tháng 6 vừa qua, giáo viên tại một trường tiểu học ở quận 12 (TPHCM) tâm sự, trong lớp có vài phụ huynh lạ lắm. Cứ thích con phải học thật giỏi để khoe với bạn bè, hàng xóm, bà con thân tộc ở quê. Chính vì tâm lý này, nên tổng kết năm học, một số bé không có giấy khen khiến phụ huynh “làm mình làm mẩy”, nặng lời với giáo viên chủ nhiệm. Trong khi học lực của bé có hạn, tuổi nhỏ ham chơi, gia đình bận rộn nên không kèm cặp; nhưng khi thấy bạn của con có giấy khen, thì muốn rằng con mình cũng phải có.
Thực ra, tâm lý chung của không ít ba mẹ, ông bà là con cái nhà hàng xóm bao giờ cũng giỏi cũng xinh; còn con cháu nhà mình thì thua kém đủ đường. Bà Nguyễn Thị Tuyết Duyên, 72 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh (TPHCM), cho hay vừa ghé nhà bà bạn ở xóm chơi. Vui ở chỗ, bà ấy liên tục khen cháu ngoại bà Duyên (6 tuổi) xinh xắn, cao ráo, tròn trịa, học giỏi; nhưng cũng ngượng ngùng khi bà bạn chê cháu ruột nào gầy nhom, học dở, tóm lại đủ kiểu phàn nàn.
Không chỉ xoay quanh việc học hành, sắc vóc của tụi con nít, có phụ huynh còn so sánh thu nhập của các con khi đi làm, khả năng báo hiếu của con cái. “Mẹ vợ tôi bóng gió rằng chúng tôi biếu bà có 5 triệu đồng/tháng, trong khi con rể bà Lan bên chung cư gần nhà biếu 9 triệu đồng/tháng. Lương thưởng, thu nhập của hai vợ chồng con bà Lan gần 100 triệu đồng/tháng, còn vợ chồng tôi chưa tới 35 triệu đồng. “Sao không nghỉ bên công ty để tìm việc khác tốt hơn?”, bà nói với con rể nhẹ nhàng, nhưng chẳng khác nào xát muối vào vết thương lòng”, anh Nguyễn Văn Bình, ngụ TP Thủ Đức (TPHCM), trải lòng về mẹ vợ mình.
2. Ngày thường, bé Bống (8 tuổi, tên gọi thân mật) nhà chị Phương Thanh, ngụ đường Hồ Thị Kỷ, quận 10 (TPHCM) khá ngoan ngoãn, nhưng nay bất ngờ ngang bướng. Kêu chào người lớn, nhắc học bài, nhờ tắt tivi… đều không được. Giận quá, chồng chị Phương Thanh lấy roi quất bé. Qua tìm hiểu, bé Bống còn đánh nhau với một bạn trong lớp với lý do… nhìn thấy ghét. Bạn này là hình mẫu trong câu chuyện mà ba mẹ so sánh Bống với bạn. Chưa kể, từ một đứa bé vui vẻ, Bống trở nên lầm lì, ít nói hơn. Đỉnh điểm của bướng bỉnh là lúc Bống hét lớn vào mặt chị Phương Thanh và nói rằng: “Con không muốn đi học và ghét ba mẹ. Con có so sánh ba mẹ với ai đâu, mà ba mẹ đem con so sánh với các bạn”. Lúc này, vợ chồng chị Phương Thanh như bừng tỉnh. “Tôi thấy có lỗi với con bé. Không ngờ nó giận dai và chịu áp lực đến vậy. Nói thật, nếu ba mẹ cũng làm thế với vợ chồng tôi, chắc hẳn cả hai cũng tủi thân và mệt mỏi lắm ”, chị Phương Thanh cho biết.
Sự kỳ vọng quá mức của các bậc phụ huynh, thông qua áp đặt, so sánh con cái với bạn bè chúng đã vô tình tạo áp lực tâm lý rất lớn đối với trẻ. Chưa kể, trong thời đại ngày nay, chỉ cần mở Zalo, Facebook… sẽ thấy hàng loạt những ông bố, bà mẹ khoe con, kiểu như: “Chúc mừng con đậu trường danh tiếng A..”; “Nay con gái đã vào học trường chuyên B…”: “Tuyệt quá, con trai nay đã chính thức nhập học trường Z - Canada”... Chính điều này cũng khiến phụ huynh khác lo lắng, muốn “đốt cháy giai đoạn”, sẵn sàng ép uổng con nhà mình phải được như con nhà người ta. Làm sao để chúng cũng phải thật giỏi để phụ huynh được dịp ngẩng cao đầu, nở mày nở mặt với thiên hạ, mà không quan tâm đến sức học, mong mỏi của trẻ.
Ở nhiều diễn đàn, các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, chỉ cần thực sự yêu thương, quan tâm đến trẻ, có định hướng phù hợp để dẫn lối các bé thì chúng đều thành công theo cách riêng của mình. “Nhân vô thập toàn” và “con nhà người ta” đâu thể giỏi toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Hãy làm bạn và bao dung với trẻ, chăm chút chúng đúng cách, lựa lời mà dạy… thì nhất định phụ huynh sẽ an vui, con trẻ cũng sẽ vui học và trưởng thành!
Cũng có trường hợp, thuở nhỏ phụ huynh rất thích chơi đàn, thổi sáo, nhưng không có cơ hội bước chân vào trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, nên giờ thúc ép con phải thi đậu bằng được vào Học viện Âm nhạc quốc gia… Thế nhưng, đứa trẻ có năng khiếu và đam mê với lĩnh vực mà phụ huynh định hướng hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hậu quả, trẻ phải sống cuộc đời của cha mẹ, khát khao của phụ huynh, tạm gác lại ước mơ, hoài bão của mình. Liệu có đáng không? |