Đoàn chúng tôi gồm: nhà thơ Võ Quê, nhà nghiên cứu phê bình Phạm Phú Phong, nhà văn Lê Vũ Trường Giang, nhà văn Phạm Phú Uyên Châu và tôi, thay mặt Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, vội vàng lên xe chạy một mạch về TPHCM. Tiếp chúng tôi là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (em trai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Anh Phan cho biết, từ lúc chị Dạ nhắm mắt xuôi tay, anh Tường nằm mê man, còn cháu Hoàng Dạ Thi định cư ở Mỹ đang trên đường về. Trước khi đậy nắp quan tài, chúng tôi đứng lặng, nhìn lần cuối cùng gương mặt nữ nhà thơ thân thương mà không sao cầm được nước mắt.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Ngô Minh, nhà thơ Hải Kỳ và tôi đều cùng quê Quảng Bình, cùng tuổi Kỷ Sửu. Tốt nghiệp cấp 3, Ngô Minh có giấy báo nhập học Trường Đại học Ngoại thương, tôi có giấy báo nhập học Trường Đại học Sư phạm, Hải Kỳ có giấy báo nhập học Trường Trung cấp Sư phạm, còn Lâm Thị Mỹ Dạ vì bố di cư năm 1954 nên chờ mãi vẫn không có giấy báo nhập học trường nào cả. Dạ rất buồn. Cũng may, nhà thơ Hải Bằng, nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn ở Hội Văn nghệ Quảng Bình phát hiện tài năng thi ca của Dạ, tìm đủ mọi cách đưa Dạ về công tác ở hội. Chỉ một thời gian sau, Dạ nổi tiếng với bài thơ Khoảng trời, hố bom được trao giải nhất trong cuộc thi của Tuần báo Văn nghệ năm 1973.
Có một kỷ niệm với Dạ mà tôi không bao giờ quên được. Tôi đưa hai cháu trai, đứa 9 tuổi, đứa 7 tuổi từ thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch vào Huế học. Hộ khẩu hai cháu cắt dễ, nhưng nhập vào thành phố phải chờ đợi thời gian khá dài. Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, Dạ đã âm thầm đi quyên góp bạn bè được chừng 20kg gạo mang đến hỗ trợ, làm tôi cảm động, nghẹn ngào. “Bát cơm phiếu mẫu” ấy, cha con chúng tôi suốt đời ghi lòng tạc dạ.
Hàng chục năm trời, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến, Dạ tất bật đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi, khi thì vào khu vườn lạ ở Long An, khi thì lên Khe Sanh, Lao Bảo… Thương mẹ quá vất vả, vợ chồng Hoàng Dạ Thư thu xếp đưa bố mẹ vào TPHCM để tiện chăm sóc. Gần 10 năm trở lại đây, Dạ không may bị bệnh mất trí nhớ. Năm 2017, trong dịp đi du lịch Campuchia, vợ chồng tôi có ghé TPHCM thăm Dạ, thấy anh Tường vẫn minh mẫn, Dạ vẫn còn nhận ra tôi, làm tôi thấp thỏm mừng thầm. Có ai ngờ Dạ lại đi trước anh Tường.
Ngồi viết những dòng ký ức này, hình ảnh Dạ và nhà nghiên cứu phê bình Bửu Nam chở bao gạo bạn bè quyên góp đến khu tập thể trường Hai Bà Trưng hỗ trợ cho cha con tôi cứ hiện lên trước mắt. Con người Dạ và thơ Dạ là một: dung dị, nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu lòng trắc ẩn, “hồn đầy hoa cúc dại”, “vừa nhân hậu lại đa tình, đa mang”.
Thế là ba người bạn thơ cùng tuổi Kỷ Sửu, cùng quê Quảng Bình đã lần lượt ra đi. Chỉ còn mỗi mình tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lẻ loi và trống trải như lúc này…