Kết quả khảo sát nhận thức về giáo dục STEM - viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học) - trong giáo viên trung học tại TPHCM do Sở GD-ĐT TP thực hiện mới đây cho thấy, trên tổng số 5.331 giáo viên được khảo sát có đến 51,5% cho biết chỉ biết sơ qua về phương pháp giáo dục này; 62,3% giáo viên cho biết phải tự tìm hiểu, nghiên cứu qua sách, báo, tạp chí, Internet, hoặc học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Đây là thực tế đáng đề cập, khi mà Bộ GD-ĐT trao quyền chủ động cho các trường tổ chức chương trình và đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá từ năm học 2012-2013.
Nhận thức chưa đúng
Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, có đến 30,5% giáo viên nói rằng gặp khó khăn với chương trình, sách giáo khoa hiện tại khi triển khai phương pháp giáo dục STEM; 34,9% giáo viên gặp khó khăn với cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trường học trong tổ chức dạy học theo định hướng STEM.
Thừa nhận thực tế này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay một bộ phận giáo viên chưa hiểu đúng về STEM. “Không nên hiểu STEM là sự kết hợp đơn thuần giữa các môn học. Trong đó, giáo viên khi soạn giáo án cố gắng lồng ghép, đưa đầy đủ kiến thức ở các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học vào cùng một bài giảng là sai lầm. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, nhiều thầy cô đặt ra chỉ tiêu 100% học sinh tham gia phát biểu ý kiến, tranh luận, là tạo áp lực cho mình và cả học sinh”, ông Thành cho hay.
Bài học STEM không nhất thiết tích hợp nhiều môn học, nội dung kiến thức có thể chỉ thuộc một môn học nhưng gắn với ứng dụng trong cuộc sống.
Vì vậy, hoạt động phát biểu, tranh luận có thể diễn ra ở vài học sinh, nhưng kết quả thụ hưởng là tất cả học sinh cùng tham gia tiết học đó. Đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, STEM không phải một hoạt động giáo dục đưa thêm vào chương trình mà là một trong những phương thức chuyển tải nội dung chương trình giáo dục. Giáo viên có thể linh hoạt tổ chức ở nhiều hình thức khác nhau, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng khó khăn lớn nhất khi thực hiện giáo dục STEM cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác là không đồng bộ với hoạt động giáo dục hiện hành.
Cụ thể, chương trình giáo dục còn nặng nề và mang tính hàn lâm, nội dung thi cử còn nhiều yếu tố từ chương và kỹ năng vận dụng còn máy móc, chưa kiểm tra được đầy đủ năng lực vận dụng sáng tạo và thực tiễn của học sinh.
Huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia
Ghi nhận từ các trường cho thấy, tâm lý phụ huynh hiện nay xem STEM là một môn ngoại khóa như vẽ, đàn, hát; xếp sau các buổi học thêm về Toán và Tiếng Anh.
Thêm vào đó, quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc không cho phép cộng điểm ưu tiên với học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp thành phố đã phần nào giảm nhiệt tình tham gia của phụ huynh và học sinh.
"Bắt đầu triển khai từ học kỳ 1 năm học 2017-2018, thời gian đầu, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường trong một học kỳ xây dựng ít nhất một chủ đề dạy học liên quan đến giáo dục STEM. Đến nay, sau 3 học kỳ áp dụng, mục tiêu được tăng lên là từng giáo viên ở mỗi tổ bộ môn trong một học kỳ tổ chức ít nhất một chủ đề dạy học liên quan giáo dục STEM. Đặc biệt, trong học kỳ 2 năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng ngân hàng chủ đề dạy học STEM để giúp các trường tham khảo, học tập và vận dụng " Ông Phạm Ngọc Tiến |
Sau hơn 2 năm đẩy mạnh phương pháp giáo dục này, lãnh đạo nhà trường nhận thấy lý do khiến nhiều giáo viên không mạnh dạn đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy, phụ huynh lo lắng khi con em được học với phương pháp giảng dạy mới, là do e ngại không đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, theo một giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, học sinh hiện nay đang bị chi phối bởi nhiều mục tiêu liên quan đến điểm số, thành tích học tập, nguyện vọng của gia đình.
Trước thực tế đó, nhiều năm nay Trường THPT Trần Khai Nguyên tận dụng lực lượng học sinh có đam mê làm đội ngũ nòng cốt xây dựng các câu lạc bộ STEM, đồng thời đưa hoạt động của câu lạc bộ vào một trong những định hướng và mục tiêu phát triển của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhằm huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh, ngay từ đầu năm học, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) tổ chức lấy ý kiến của cha mẹ học sinh về chương trình và mức phí tham gia chương trình STEM, vận động học sinh đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 còn cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết chương trình giữa các trường với nhau để có sự hỗ trợ, chia sẻ và rút kinh nghiệm.
Thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động STEM chỉ diễn ra trong khuôn khổ từng trường riêng lẻ, đặc biệt diễn ra mạnh ở các trường làm tốt công tác xã hội hóa. Song, để thực hiện được điều đó cần thêm vai trò “nhạc trưởng” của Sở GD-ĐT trong việc phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, giúp các trường có thêm điều kiện triển khai hiệu quả giáo dục STEM.