Kết luận thanh tra khi đã được công khai cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thường thì UBND TPHCM chưa xem xét xử lý trong thời hạn quy định 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc ngày nhận được kết luận thanh tra, nên có lúng túng trong xác định thời gian thực hiện việc đôn đốc, giám sát sau thanh tra theo Nghị định số 33/2015.
Về chủ quan, ngành thanh tra cũng còn lúng túng, chưa đầu tư đúng mức cho việc thẩm định tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra cấp sở ngành, quận huyện để xem xét, quyết định thanh tra lại theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
° PHÓNG VIÊN: Vì sao các kết luận thanh tra - nhất là ở cấp sở ngành và quận huyện - ít thấy công khai, cơ quan báo chí khó tiếp cận?
° Ông NGUYỄN LONG TUYỀN: Thanh tra TPHCM đánh giá, thời gian qua đã duy trì nề nếp việc cung cấp kết luận thanh tra cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy chế phối hợp, nhất là đối với các kết luận thanh tra có nội dung kiến nghị chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc cung cấp các kết luận thanh tra theo yêu cầu của cơ quan báo chí chỉ thực hiện đối với các kết luận thanh tra đã được UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo xử lý.
Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Long Tuyền
° Do thiếu công khai đầy đủ đối với kết quả thanh tra các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên nhiều vụ việc chuyển cơ quan điều tra thường kéo dài và chậm xử lý. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
° Thực tế có những vụ việc chuyển cơ quan điều tra theo kết luận chỉ đạo của UBND TP, khi cơ quan điều tra kết luận không đủ cơ sở khởi tố hình sự và gửi trả hồ sơ cho cơ quan thanh tra để xem xét xử lý hành chính, thì hầu hết vụ việc đều không còn thời hiệu xử lý; đa số vụ việc sai phạm qua phát hiện của thanh tra có liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đều không xử lý kỷ luật được, do đã hết thời hiệu 24 tháng. Những bất cập, tồn tại này đã được Thanh tra TPHCM phản ánh với các cấp lãnh đạo.
° Việc thực hiện các kết luận thanh tra cũng được cho là chậm, không hiệu quả, thiếu sự giám sát của hệ thống Ủy ban MTTQ, báo chí và nhân dân.
° Thực tế thời gian qua có tình trạng trên. Nguyên nhân được cho là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Có những trường hợp chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP và Thanh tra TP, cố ý kéo dài, né tránh việc thực hiện kết luận thanh tra.
Việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, nhất là những vụ việc đã lâu, do nhân sự cán bộ có sự thay đổi nên cần có thời gian để thực hiện. Với những kết luận thanh tra có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của các thành viên trong đoàn thanh tra trước đây, thì có trường hợp đã nghỉ hưu, chuyển công tác; còn cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thì bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quy định pháp luật, nên dẫn đến bất cập, khó khăn trong tổ chức triển khai đúng với yêu cầu xử lý kết luận thanh tra.
° Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ngành thanh tra TPHCM chú trọng đến giải pháp nào, thưa ông?
° Trước tiên, từ lãnh đạo UBND TP đến các sở ngành, quận huyện phải bảo đảm thời hạn quy định trong việc chỉ đạo, xử lý kiến nghị của kết luận thanh tra, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát sau thanh tra; quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm việc ban hành và công khai kết luận thanh tra theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn; xây dựng cơ chế phối hợp với ủy ban kiểm tra cấp ủy đảng và MTTQ thực hiện công tác giám sát việc công khai, minh bạch các kết luận thanh tra của TP, của thanh tra sở ngành, quận huyện…
° Ông có đề xuất, kiến nghị gì để công tác xử lý các kết luận sau thanh tra đạt kết quả tốt?
° Để nâng cao chất lượng thanh tra, kết luận, kiến nghị, xử lý qua công tác thanh tra, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện giám sát của MTTQ và của người dân, Thanh tra TPHCM kiến nghị: Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra nói chung, các quy định liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra nói riêng, để tăng cường, phát huy vai trò, vị thế của ngành thanh tra. Thứ hai, tăng cường công tác giám sát, phối hợp xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Thanh tra TPHCM kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm hoặc khởi tố theo quy định.
Qua quá trình thanh tra, các đoàn của Thanh tra TPHCM đã phát hiện sai phạm về quản lý, sử dụng tài chính tại một số đơn vị và đã ban hành quyết định thu hồi. Cụ thể, năm 2016 đã thu hồi và thực nộp vào tài khoản tạm giữ Thanh tra TP hơn 51 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%). 9 tháng đầu năm 2017 kiến nghị thu hồi gần 350 tỷ đồng, đã thu hồi và thực nộp vào tài khoản tạm giữ Thanh tra TP hơn 344 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 98%).