Ngày 11-9, Quận ủy quận Bình Tân tổ chức sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận.
“Lòng vòng” trong xử lý công trình sai phạm
Tại hội nghị, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh, nhấn mạnh, Chỉ thị 23 cùng các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP là kim chỉ nam định hướng, mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, không giao câu chuyện quản lý trật tự xây dựng riêng cho lực lượng quản lý đô thị hay thanh tra xây dựng.
Cụ thể, bằng việc công khai giấy phép xây dựng đến tổ dân phố, khu phố đã giúp quản lý, biết được công trình nào có giấy phép xây dựng, công trình nào không.
“Theo quy định thì người dân phải niêm yết giấy phép xây dựng trước công trình nhưng có tình trạng cố tình niêm yết giấy phép xây dựng của người khác, công trình khác để qua mắt lực lượng chức năng”, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh chỉ rõ. |
Ngoài ra, với cách làm hiện nay, thông tin, diễn biến của vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn được cán bộ nắm hàng ngày, hàng tuần, không như trước đây là hàng tháng, hàng quý. Vì vậy không có chuyện quên báo cáo, xử lý.
Dẫn chứng về những trường hợp vi phạm xảy ra sau Chỉ thị 23 vẫn chưa được giải quyết, người đứng đầu Quận ủy và Chính quyền quận Bình Tân cho rằng, sở dĩ có chuyện này là do có tình trạng cán bộ tham mưu đẩy qua đẩy lại trách nhiệm của mình nhưng lại xin ý kiến của cơ quan khác, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý.
“Có cán bộ cố tình hiểu sai quy định pháp luật, lạng lách trong suy nghĩ, đánh đu trong thực hiện. Lúc nghĩ đúng, lúc nghĩ sai. Do đi “lòng vòng” như thế nên khi ra kết luận thì kéo dài nhiều tháng”, Bí thư Quận ủy Lê Văn Thinh chỉ rõ và yêu cầu, vấn đề này phải được chấm dứt. |
Theo Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, khi nào còn tình trạng lòng vòng trong xử lý thì vi phạm xây dựng vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Song, khi có sự quyết liệt trong xử lý là phải cưỡng chế nhà không phép, phá dỡ phần sai phép vừa khiến dân mất đi khối tài sản lớn, vừa làm mất đi hình ảnh cán bộ. Điều này đòi hỏi, cán bộ có trách nhiệm phải cương quyết thực hiện nghiêm túc thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 23.
Cụ thể hơn, các đơn vị có liên quan phải khẩn trương có kết luận tất cả các vụ việc còn chưa giải quyết được. Trường hợp xét thấy cán bộ nào sai, không dùng được thì loại khỏi “đội hình chiến đấu” của quận Bình Tân.
Đồng thời, UBND quận cũng phải khẩn trương rà soát, công khai các đồ án quy hoạch; nghiên cứu thực hiện khen thưởng nóng cho các trường hợp cung cấp thông tin về trật tự xây dựng chính xác.
Công khai giấy phép xây dựng để dân giám sát
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Bí thư Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, trước khi triển khai Chỉ thị 23, vi phạm trật tự xây dựng ở quận diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 1-1-2019 đến ngày 25-7-2019 toàn quận đã xảy ra 179 trường hợp vi phạm, trong đó có đến 117 công trình xây dựng không phép. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chỉ thị 23 đến ngày 31-8, ở quận chỉ xảy ra 40 vụ vi phạm xây dựng, giảm hơn 85%.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận, nguyên nhân của tình trạng vi phạm trước Chỉ thị 23 là hệ thống chính trị chưa vào cuộc đồng bộ, công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế. Các lực lượng được phân công quản lý về trật tự xây dựng gồm Đội Thanh tra địa bàn quận, Đội Quản lý trật tự đô thị, UBND 10 phường đã chưa phát hiện, xử lý kịp thời, thiếu cương quyết. Một số cán bộ, công chức nhận thức về các quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chưa làm hết trách nhiệm.
Ngoài ra, công tác phối hợp kiểm tra, quản lý, xử lý giữa Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Quản lý trật tự đô thị quận và UBND 10 phường đôi lúc còn chưa thống nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sử, theo Nghị định 139/2017, khi phát hiện công trình vi phạm đang xây dựng thì phải cho chủ đầu tư thời hạn 60 ngày để lập thủ tục xin cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Điều này dẫn đến công trình tiếp tục vi phạm, xây dựng hoàn thiện nên gây khó khăn cho việc xử lý.
Đặc biệt có tình trạng một số thanh tra viên của Đội Thanh tra địa bàn quận Bình Tân trong quá trình kiểm tra đã xử lý chưa chuẩn, dẫn đến các công trình vi phạm hoàn thiện, đưa vào sử dụng và gây khó khăn trong xử lý.
Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị 23, quận đã xây dựng nhiều kênh liên lạc, phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin ngăn chặn từ đầu các vụ việc vi phạm, giảm thiểu thiệt hại cho dân.
Quận cũng cung cấp danh sách các công trình vi phạm cho các phòng, ban có liên quan tạm ngưng giải quyết các thủ tục về nhà đất, đăng ký kinh doanh cho đến khi xử lý xong công trình vi phạm.
Đồng thời, quận đưa bản sao giấy phép xây dựng đến khu phố, tổ dân phố, đoàn thể chính trị - xã hội của phường tăng cường kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện để người dân cùng tham gia theo dõi. 10 phường cũng đã thành lập 130 tổ giám sát cộng đồng trong hoạt động xây dựng ở khu phố nhằm kéo giảm số vụ vi phạm.
Dịp này, UBND quận Bình Tân đã tặng giấy khen cho 18 tập thể và 29 cá nhân có thành tích tốt trong một năm thực hiện Chỉ thị 23 về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận. |