Còn lỗ hổng pháp lý về xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá

Theo đại biểu, lấp đầy “lỗ hổng pháp lý” về xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất là yêu cầu bức thiết. 

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 28-11, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản buộc phải mua thông qua đấu giá như dự thảo luật xem đã đầy đủ chưa, liệu có những loại tài sản mới phát sinh trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì không được đấu giá hay không?

Về quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá, ĐB Hòa đề nghị cân nhắc. Theo ông, nên giao cho tổ chức hoặc cá nhân có sở hữu bán, hoặc cho chủ sở hữu và nhà đầu tư thỏa thuận, vì loại tài sản này đưa ra đấu giá rất ít người tham gia, việc tổ chức đấu giá làm mất thời gian và tốn kém.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) và nhiều ĐB khác bày tỏ quan tâm đến tình trạng bỏ cọc đang xảy ra khá phổ biến, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình, ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề xuất, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.

“Tuy nhiên có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá. Do vậy theo tôi cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng”, ông Lê Tất Hiếu nêu quan điểm.

Cùng mối quan ngại này, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhìn nhận, Luật Đấu giá tài sản hiện hành không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá, đặc biệt là khi đấu giá tài sản giá trị lớn như quyền sử dụng đất. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường; “đấu giá hộ”; bỏ cọc... Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Theo ĐB, cần lấp đầy “lỗ hổng pháp lý” về xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế). Ảnh: QUANG PHÚC

Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế). Nữ ĐB đề nghị bổ sung quy định bổ túc hồ sơ và ấn định thời hạn đối với thành phần hồ sơ đảm bảo các điều kiện, tiêu chí cứng tham gia đấu giá để tạo điều kiện thu hút người tham gia đấu giá có năng lực tài chính, năng lực đầu tư.

Có quan điểm hơi khác, ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, hoạt động đấu giá tài sản là quan hệ dân sự.

“Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Luật chỉ nên điều chỉnh bằng cách quy định tiền đặt trước hợp lý”, ông nói.

Chẳng hạn, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Tuy nhiên, ĐB Thịnh lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.

Tin cùng chuyên mục