Cũng có lý. Bởi du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên chỉ là một phần, phần kia là chất lượng dịch vụ. Mần dịch vụ cho ngon, du lịch sẽ cất cánh.
Nói thì ngon lành vậy, chớ thực tế còn hẻo lắm. Như cái nạn chặt chém du khách đó, trải qua bao nhiêu lần họp tới họp lui bàn cách, mà nó vẫn diễn ra khơi khơi. Ăn dĩa cơm bình dân bị chém cả triệu đồng, dù khách tây hay ta gì cũng đau... đứt ruột!
Cái đó là do xử không nghiêm. Xử nghiêm là xử cả nơi vi phạm lẫn người có chức trách liên quan. Phạt kiểu gãi ngứa thì cứ gãi hoài không hết ngứa.
Nguyên do cơ bản là chưa cùng vì lợi ích chung, nên mỗi người làm mỗi mách. Khâu này trơn mà khâu kia vướng thì xịch đụi hoài. Tỷ dụ hải quan cười tươi bớt lạnh lùng khi làm thủ tục ở sân bay, nhưng ra khỏi sân bay là kẹt xe dằng dặc. Hoặc tỉnh này dẹp được nạn đeo bám khách, qua tỉnh kia hàng rong lại đeo như đỉa. Rồi các công ty du lịch cứ gầm ghè nhau, bán “tua” phá giá.
Còn gì vướng nữa?
Không có tầm nhìn đồng bộ, cạnh tranh lẻ mẻ nên khó có sức để đầu tư. Hẹp đầu tư thì không phát triển. Cơ hội thoạt dòm tưởng ngon như khoai, mà dòm kỹ thì còn lâu mới bở!