Cậu con trai chị 14 tuổi, vừa mượn xe của bạn rồi mang cầm cố, lấy tiền đi biệt nửa tháng. Chị phải chuộc lại xe, khúm núm mang tới nhà người ta xin lỗi, rồi bỏ cả công việc đi tìm con. Có vẻ như đứa con đang tuổi lớn không thương người mẹ đơn thân đi làm hùng hục một ngày mười mấy tiếng nuôi con.
Tìm vào những diễn đàn cha mẹ, hay dưới những bài viết về trường giáo dưỡng đăng trên báo, sẽ không khó nhìn thấy những lời than vãn của các bậc phụ huynh về đứa con, đứa cháu “ngỗ ngược”, “không dạy nổi”.
Nhiều người trong số đó cũng có mong muốn như người mẹ trên đây, là được gửi con mình vào trường giáo dưỡng để nó “nên người”. Vào tới đây, các em sẽ được khép vào khuôn khổ. Một ngày sẽ bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng, được tập thể dục, ăn uống đầy đủ, đi học văn hóa, học nghề, lao động… dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Tuy vậy, không phải trường hợp nào cha mẹ muốn đều có thể đưa con vào đây. Theo Điều 91, Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc đưa vào trường giáo dưỡng chỉ dành cho những người từ 12 đến dưới 18 tuổi trong một số trường hợp.
Đó là những người từ đủ 12 đến 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý, hoặc một tội phạm nghiêm trọng do cố ý mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Việc đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Khi con cái “hư hỏng”, các bậc cha mẹ chỉ có thể dùng đến các biện pháp giáo dục chứ không thể tự mình đưa con vào trường giáo dưỡng.