Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Con của bà hoàn toàn có thể đăng ký mua BHYT học sinh, sinh viên theo nhiều phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng. Thẻ BHYT của học sinh, sinh viên thì chỉ đóng 70% và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% còn lại.
Cụ thể, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với (x) số tháng tương ứng thời hạn sử dụng thẻ x 70%. Trong đó, mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2019 là 1,49 triệu đồng. Như vậy, nếu đóng luôn 12 tháng mua thẻ BHYT, số tiền tương ứng gần 805.000 đồng, thì học sinh đóng hơn 563.000 đồng, nhà nước hỗ trợ hơn 241.000 đồng; nếu chọn phương thức đóng 9 tháng, thì gia đình đóng hơn 422.000 đồng, nhà nước hỗ trợ 181.000 đồng; nếu chọn phương thức đóng 6 tháng, gia đình đóng gần 282.000 đồng và nhà nước hỗ trợ gần 121.000 đồng; nếu chọn phương thức đóng 3 tháng, gia đình đóng gần 141.000 đồng và nhà nước hỗ trợ hơn 60.000 đồng. Trường hợp tham gia phương thức 3 tháng, 6 tháng thì khi thẻ sắp hết hạn, học sinh, sinh viên cần đăng ký tham gia để thẻ có giá trị liên tục đến hết năm tài chính.
* Con gái tôi học lớp 12 và sẽ tốt nghiệp vào giữa năm. Trong khi đó, thẻ BHYT nghe nói lại tính đến cuối năm? Những tháng không học thì có phải mua BHYT và có được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục hay không? Quyền lợi ra sao? (Trần Thanh Tuấn, quận 12, TPHCM)
Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT theo quy định. Thời gian tham gia BHYT liên tục thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1 của tháng liền kề tháng thẻ BHYT cũ hết giá trị sử dụng. Trường hợp không liên tục, hoặc gián đoạn không quá 3 tháng, thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1 của tháng đóng tiền. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu, hoặc tham gia không liên tục quá 3 tháng trong năm tài chính, thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1 của tháng liền kề tháng đóng tiền BHYT.
Thẻ BHYT được cấp hàng năm cho học sinh, sinh viên. Đối với học sinh lớp 1, thẻ có giá trị bắt đầu từ ngày 1-10 năm đầu tiên của cấp tiểu học hoặc ngày 1-11, hoặc ngày 1-12 tháng liền kề tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi. Đối với học sinh lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-9 của năm đó. Với sinh viên năm nhất, thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. Riêng sinh viên năm cuối, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Học sinh, sinh viên được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện tuyến huyện và tương đương; các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tương đương với các quyền lợi hưởng theo quy định. Chúng tôi đã công khai danh sách các bệnh viện này tại địa chỉ http://bhxhtphcm.gov.vn/.
* Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, vậy con tôi có phải mua BHYT ở trường học? (Bạn đọc có số điện thoại: 0345046…)
Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Đối với học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình cận nghèo, theo quy định, các em phải tham gia BHYT tại địa phương và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%. Nếu chưa tham gia BHYT ở địa phương, thì các em tham gia BHYT học sinh, sinh viên ở trường đang theo học. Nếu sau đó được cấp thẻ BHYT theo đối tượng khác, thì học sinh, sinh viên được trả lại tiền đã đóng từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng.
Học sinh, sinh viên có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân công an, quân đội, ban cơ yếu, nghèo, cận nghèo…), nếu hết giá trị sử dụng thẻ BHYT và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, thì tiếp tục tham gia theo nhóm học sinh, sinh viên ngay từ tháng tiếp theo tại trường mà học sinh, sinh viên đang theo học.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914151185, email: duongloan@sggp.org.vn |