Băng nhóm gần đây nhất, tồn tại đến sau năm 1975 và làm mưa, làm gió suốt một thập niên mới bị phá là băng nhóm của Năm Cam, cũng đã chọn hẻm 148 Tôn Đản làm địa bàn hoạt động. Quận 4 - Khánh Hội là vùng đất của sông rạch, hẻm hóc chằng chịt, nhiều tên đường, tên hẻm nổi tiếng ở quận 4 vẫn còn dư âm cho đến tận bây giờ như đường Tôn Đản, đường Đoàn Văn Bơ (tên mới), đường Xóm Chiếu. Hẻm thì có hẻm 148 Tôn Đản, được hiểu ngầm là nơi hùng cứ của băng nhóm Năm Cam một thời, hẻm Hãng Phân, hẻm Hiệp Thành, hẻm Nam Tiến đường Bến Vân Đồn và những khu vực nổi tiếng như khu Cầu Dừa, Cầu Chông, Cầu Kiệu… đều có sự tích gắn cùng.
Thuở nhỏ, tôi từ quê lên ở hẻm Nam Tiến, đường Bến Vân Đồn quận 4, để trọ học. Hẻm Nam Tiến có rạp hát Nam Tiến chuyên chiếu phim cao bồi Mỹ, hồi này còn phim câm, đen trắng, máy chiếu phim chạy bằng than. Mỗi lần anh chàng cao bồi cưỡi ngựa phi nước đại đuổi theo đối thủ móc súng bên hông ra quay vèo vèo, đám trẻ con đứng bật dậy khỏi ghế cây vỗ tay hoan hô thì những dãy ghế cây bật lên kêu rầm rầm theo mức độ phấn khích của khán giả trẻ con. Xem phim đen trắng mà câm đã mệt, thỉnh thoảng lại hiện lên dòng chữ nguệch ngoạc “xin cáo lỗi tạm ngưng ít phút để thay than” thì càng oải hơn, nhưng trẻ con ngày đó không còn phương tiện giải trí nào khác. Lâu lâu rạp Nam Tiến đổi món, cho những đoàn hát cải lương về diễn thường quảng cáo ảnh đào kép phía mặt tiền rạp sát lề đường Bến Vân Đồn và “tiếp thị” bằng cách phát nhạc đĩa nhựa hai giọng ca nổi tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết với bài Gạo trắng trăng thanh mà tôi nghe riết cũng đã thuộc lòng.
Hẻm Nam Tiến là con hẻm sâu trên đường Bến Vân Đồn gần cầu Ông Lãnh. Hẻm chia nhiều ngóc ngách chằng chịt quy tụ dân cư tứ xứ tới đây và hầu như gia đình nào cũng ở nhà mướn cất trên kênh rạch. Kênh rạch nước ra vô mỗi ngày nhưng có những con rạch nước tù đọng, dơ bẩn, bốc mùi hôi thối bất kể mùa nắng hay mưa. Nhà nào cũng có “cầu tủm” ở phía sau, thải thẳng xuống kênh rạch. Nếu nhà không có cầu tủm riêng thì cả xóm đi cầu tủm công cộng 5 ngăn hoặc 7 ngăn mà người ta gọi đùa là “nhà hàng 5 căn hoặc 7 căn”.
Xóm tôi ở trọ cũng hệt như những xóm lao động khác ở vùng quận 4 Khánh Hội ngày xưa, đều có cầu tủm công cộng và kênh mương nước tù đọng lăng quăng, trùn chỉ nhiều vô kể. Tôi thích vớt lăng quăng, trùn chỉ cho cá lia thia ăn vì khỏi phải mua ở cửa hàng bán cá kiểng. Chỉ cần một cái vợt nhỏ, làm bằng vải mùng, một cái thau nhựa là tôi thoải mái vớt lăng quăng hoặc trùn chỉ cho đám cá nhà mình.
Nhưng ấn tượng với tôi nhất về con hẻm Nam Tiến ngày ấy là mùi đặc trưng của nó khi nhà nhà nấu cơm chiều. Có thể đó là mùi khói than, mùi củi bếp, mùi cá kho, mùi cơm sôi, mùi của hàng cao cây mới sơn, mùi nhang cúng trên các bàn “Ông Thiên” trước cửa nhà trong xóm… và tất cả những thứ mùi ấy, hòa trong mùi bùn sình bốc lên từ các con mương khi nước lớn từ sông rạch tràn vào, trộn lẫn, thành một thứ mùi tổng hợp của con hẻm sâu, toàn dân lao động và công chức mà ở các con hẻm nhỏ khác không có. Khoảng 4 giờ chiều một ngày cuối năm 1963, trong thời điểm trời hanh khô, hẻm Nam Tiến đột nhiên bốc cháy. Ngọn lửa phát lên từ một ngôi nhà cấp 4 nào đó trong trùng trùng những ngôi nhà ở xa tít nhưng lan dần tới hẻm Nam Tiến. Thế là con hẻm biến mất từ trận hỏa hoạn kinh hoàng đó.
Sau này, có dịp về quận 4, đi ngang đường Bến Vân Đồn, chếch phía bên này cầu Ông Lãnh tôi không còn hình dung được đâu là con hẻm xưa nơi tôi ở một thời gian dài. Tất cả đều thay đổi. Hẻm Nam Tiến hoàn toàn biến mất.
Quận 4 - nơi vùng đất Khánh Hội ngày xưa sau 42 năm không còn là vùng đất dữ nữa. Giờ quận 4 đã thay đổi và phát triển rất nhiều, những khu vực trồng lúa, ao rau muống, kênh rạch, mương nước đọng, sình lầy hôi hám đã biến mất, thay vào đó là những khu phố khang trang, cao ốc, chung cư, công trình phúc lợi đã và đang xây rất hoành tráng. Thậm chí những cây cầu, như Cầu Dừa nằm trên đường Bến Vân Đồn nối với cầu Nguyễn Văn Cừ đi quận 8 về quận 1 cũng đã không còn là cầu dừa mà là cầu bê tông, hiện đại.
Tôi là người dân cố cựu của quận 4 khi vùng đất này còn mang tên Khánh Hội nhưng tôi cũng vẫn bàng hoàng khi mỗi ngày mấy lượt qua sông, qua cầu, đi về trên những con đường mới, ít kẹt xe hơn quận 1 và nhiều nơi khác. Và trong những lúc bồi hồi với những kỷ niệm xưa tôi vẫn cố đi tìm lại một nơi chốn cũ, đó là con hẻm ngày xưa tôi ở, con hẻm của tuổi thơ tôi, con hẻm Nam Tiến, bây giờ đã hoàn toàn biến mất.