Ngày 19-3, tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách Con gái của chim Phượng hoàng của Isabelle Müller. Tác giả là con lai Pháp - Việt, trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên để kiếm tìm hạnh phúc cho mình.
Tham dự chương trình có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính; ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cùng đông đảo bạn đọc.
Isabelle Müller sinh ngày 25-5-1964 tại Tours (Pháp). Sau khi tốt nghiệp trung học, bà theo học ngôn ngữ (Đức, Anh và Nga) tại Đại học Francois Rabelais (Tours, Pháp) và tại Trung tâm d´Etudes Pratiques de Langes Vivantes (Tours, Pháp). Từ năm 1985, bà làm việc tại Đức với tư cách là thông dịch viên và phiên dịch. Cùng với mẹ là bà Đậu Thị Cúc (tự là Loan), Isabelle Müller có những chuyến đi sang Đông Nam Á vào những năm 1990 để tìm hiểu về cội nguồn Việt Nam của mình.
Bìa sách "Con gái của chim Phượng hoàng" do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành Tháng 5-2016, Isabelle Müller đã thành lập Quỹ từ thiện Loan Stiftung, chuyên thực hiện các dự án giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng núi nghèo nhất của miền Bắc Việt Nam. Toàn bộ số tiền nhận được từ bản quyền sách, tác giả sẽ tặng 100% cho Quỹ Loan để giúp cho trẻ em nghèo Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có mặt tại chương trình, bà Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ và kết nối với Isabelle Müller. Theo bà, trong vòng 6 năm qua, Isabelle Müller đã có những sự hỗ trợ đáng quý và thiết thực như xây trường cho các cháu học sinh nghèo người dân tộc thiểu số phía Bắc vào năm 2016, hỗ trợ xây dựng một trường bán trú ở Lào Cao và một trường ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào năm 2018 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, xin được 2 suất học bổng cho 2 sinh viên người Việt đang học tập ở Đức vào năm 2019…
Bà Trương Mỹ Hoa (giữa) chia sẻ về cơ duyên cũng như những kết nối với tác giả Isabelle Müller “Từ năm 2020, do dịch Covid-19, Isabelle Müller không về được Việt Nam nên chúng tôi chỉ có liên lạc qua thư điện tử. Mối quan hệ giữa chúng tôi, giữa Quỹ Học bổng Vừ A Dính với Isabelle Müller là mối quan hệ rất gắn bó, thiết thực và hỗ trợ, chia sẻ với nhau một cách rất chân tình, giống như chị em trong nhà”, bà Trương Mỹ Hoa bày tỏ.
Độc giả Việt Nam từng biết đến Isabelle Müller thông qua cuốn sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim Phượng hoàng (NXB Trẻ, 2018). Cuốn sách đầu viết về cuộc đời của bà Loan, cũng chính là người mẹ của Isabelle Müller; ở cuốn sách sau - Con gái của chim Phượng hoàng kể lại câu chuyện của chính tác giả, người phụ nữ có dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản, người không cho phép bản thân bị bất hạnh lấn át, đã vươn lên làm chủ cuộc đời mình và cuối cùng - bất chấp mọi ràng buộc của số phận - trở thành một doanh nhân thành đạt ở Đức.
Tác giả Isabelle Müller là người lai Pháp - Việt Với phương châm sống: “Từ mỗi hòn đá họ ném xuống trước chân chúng ta, chúng ta sẽ xây nên một con đường”, có thể trong những hoàn cảnh mà người khác sẽ gục ngã, thì Isabelle đã không bỏ cuộc. Bà là con út của một người mẹ Việt Nam và một người cha Pháp, lớn lên ở một làng quê Pháp nghèo khó, tù túng. Tuy có một người cha tàn bạo và môi trường sống mang nặng tinh thần phân biệt chủng tộc, nhưng Isabelle đã được thừa hưởng nghị lực sống và dũng khí hướng về tương lai từ người mẹ Việt Nam của mình.
Thông qua cuốn sách của mình, Isabelle Müller không chỉ nói về việc tìm kiếm hạnh phúc mà còn về con đường để tìm thấy nó. Đó là việc biến bất hạnh thành hạnh phúc, là học cách biến vòng xoáy tiêu cực thành vòng xoáy tích cực. Bởi, Isabelle Müller cũng là người bị chính người thân của mình lạm dụng tình dục, phải chịu đựng, phải câm nín, không thể nói với một ai, sống trong nỗi tuyệt vọng nhiều năm trời… Câu chuyện này đã được Isabelle Müller đề cập một cách trực diện trong sách.
Đông đảo bạn đọc đã đến tham dự chương trình Theo chia sẻ của Isabelle Müller, để nói và viết về câu chuyện này cũng giống như việc cởi hết đồ trên người trước mặt người khác. Có người sẽ đánh giá nhưng cũng có người sẽ chấp nhận mình, nhưng sau cùng cơ thể này vẫn là của mình, thuộc về mình và mình được quyền quyết định, được quyền từ chối và phải lên tiếng cho vấn đề này.
“Vấn đề này đặt ra cho chúng ta hai con đường: Một là phải có một cuộc cách mạng; Hai là chúng ta sẽ không bao giờ có một sự thay đổi nào từ xung quanh. Cho nên, ngày hôm nay, hãy xem như đây là cuộc cách mạng tiên phong để chúng ta có tiếng nói trước vấn đề xâm hại tình dục”, tác giả bày tỏ.
Nhà văn Trầm Hương (giữa) đánh giá cao sự dũng cảm của tác giả Isabelle Müller khi đã viết nên cuốn sách "Con gái của chim Phượng hoàng", kể lại cuộc đời đầy thăng trầm của mình Dẫn ra câu nói của một nhà văn: “Thế giới này bị hủy diệt không phải vì cái ác mà vì những người đứng nhìn, không làm gì cả”, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trầm Hương dành lời khen ngợi cho Isabelle Müller khi đã viết nên cuốn sách Con gái của chim Phượng hoàng: “Isabell đã dũng cảm viết nên cuốn sách để cứu rỗi những đứa trẻ là nạn nhân của nạn bạo hành tình dục mà bản thân chị cũng từng là một nạn nhân. Tôi cho rằng, để viết được phải đổi bằng sự đớn đau, bằng cả một quá trình chiến đấu, giằng xé”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ.
HỒ SƠN