Nữ chiến binh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị quân đội Iraq bắt khi chiếm thành cổ Mosul đã được xác nhận là Linda Wenzel, thiếu nữ 16 tuổi mất tích từ nhà ở Đông Nam Đức vào năm ngoái.
Binh sĩ Iraq đã phát hiện Linda cùng một nhóm 26 phụ nữ nước ngoài là thành viên IS trong một đường hầm ở Mosul vào đầu tháng 7-2017.
Ban đầu, binh sĩ Iraq đã nhầm tưởng Linda là một cô gái người Yazidi bị IS bắt làm nô lệ tình dục khi thấy cô bị thương ở tay và ngực, nằm trên sàn và kêu cứu.
Những hình ảnh được chia sẻ trên các mạng xã hội cho thấy các binh sĩ áp giải Linda, trông cô nhợt nhạt, sợ hãi và đầy bụi bặm, không đeo mạng che mặt nhưng quấn khăn quanh cổ.
Linda Wenzel ngay sau khi bị bắt ở Mosul, Iraq, tháng 7-2017...
Năm ngoái, Linda đã mất tích từ nhà ở Pulsnitz, thị trấn nhỏ gần TP Dresden ở Đức, nơi cô sống cùng mẹ Katharina và cha kế Thomas.
Lớn lên trong một gia đình Tin lành nhưng Linda không hề quan tâm tôn giáo cho tới vài tháng trước khi mất tích.
Vào mùa xuân 2016, lần đầu tiên Linda nói với cha mẹ về mối quan tâm ngày càng tăng với Hồi giáo, nhưng che giấu thực tế là cô đã cải đạo.
Trong kỳ lễ Ramadan, Linda nói với gia đình rằng mình đang ăn kiêng. Mẹ cô cho biết: "Chúng tôi đã không nghĩ gì về điều đó, thậm chí đã mua cho con một cuốn kinh Koran".
Bạn bè Linda ở Pulsnitz cho biết cô đã cải sang Hồi giáo trong khoảng thời gian đó và đã cực đoan hóa từ các chatroom. Linda bắt đầu học tiếng Arab, mang kinh Koran đến trường, mặc quần áo kín và bắt đầu chú tâm vào Hồi giáo trước khi mất tích.
Linda biến mất vào ngày 1-7-2016 sau khi nói với cha mẹ rằng cô đến nghỉ cuối tuần tại nhà một người bạn.
Dùng hộ chiếu của mẹ, Linda đã đến Istanbul, rồi đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và vượt biên với sự giúp đỡ của một nhóm Hồi giáo liên kết IS.
...và trước khi mất tích từ nhà ở thị trấn Pulsnitz gần TP Dresden, Đức, tháng 7-2016
Linda được cho là đã đến Mosul trước khi quân đội Iraq mở chiến dịch tấn công nhằm tái chiếm thành cổ này vào tháng 10-2016.
Tại Mosul, Linda đã đổi tên thành Umm Mariam và trở thành một "cô dâu IS", kết hôn với chiến binh IS đã quyến rũ cô trên Internet và lôi kéo cô sang lãnh thổ của IS.
Cho đến 6 tháng trước khi gia nhập IS, Linda thậm chí chưa từng đi tàu hỏa một mình. Mẹ Linda cho biết sau khi cô mất tích: "Tôi sốc nặng bởi con tôi chưa hề lấy trộm hay nói dối điều gì trước đó. Tôi đã suy sụp vì con đã bị người ta tẩy não, xúi giục rời bỏ đất nước, và vì con đã che giấu điều đó với tôi".
Trong phòng Linda, bà đã tìm thấy một tấm thảm cầu kinh Hồi giáo và một máy tính bảng chứa hàng trăm bức ảnh và một tài khoản Facebook thứ 2 của con mà bà không hề biết.
Tài khoản Facebook này Linda dùng liên lạc với mọi người ở Trung Đông và chia sẻ các tin nhắn như "hãy cầu nguyện, sự kết thúc đang đến gần".
Dưới tấm nệm trong phòng Linda, cảnh sát đã tìm thấy biên lai 2 vé máy bay, từ Dresden đến Frankfurt và từ Frankfurt đến Istanbul, mà cô đã mua bằng thẻ tín dụng đánh cắp của mẹ.
Trưởng công tố và phát ngôn viên văn phòng công tố Dresden Lorenz Haase nói với The Telegraph: "Nếu được xác nhận, chúng tôi sẽ mở lại vụ án hình sự vốn đã xếp lại vì không biết tung tích Linda và vì cô là một thiếu niên".
Der Spiegel ngày 22-7 đưa tin, 4 phụ nữ Đức là thành viên IS đang bị giam tại Iraq có thể đối mặt án tử hình vì tham gia IS.
Những phụ nữ này trong nhóm 26 nữ chiến binh nước ngoài thuộc lực lượng cảnh sát nữ của IS bị binh sĩ Iraq phát hiện cùng vũ khí và đai bom tự sát trong một hệ thống đường hầm do IS xây dựng ở Mosul.
Chưa rõ Linda và những phụ nữ bị bắt sẽ bị giam ở Iraq hay bị trục xuất về nước để ra tòa.
Một thẩm phán cấp cao Iraq nói với The Telegraph hồi đầu năm rằng các thành viên IS người nước ngoài sẽ bị xét xử tại các tòa án Iraq, tuy nhiên Linda là thiếu niên nên có thể quyết định dẫn độ.
Chỉ một số ít thành viên IS từ châu Âu dưới 18 tuổi từng bị bắt giam, phần lớn sau khi tự nguyện trở về nước.
Theo giới chức an ninh Đức, trong những năm gần đây, hàng trăm người Đức, gồm một số thiếu nữ và phụ nữ trẻ, đã rời đất nước để gia nhập IS ở Syria và Iraq. Một số đã chết trong các trận chiến và các vụ đánh bom tự sát, một số đã trở về Đức, nhưng còn nhiều người chưa rõ tung tích.