Đó là dự án “‘Con đường tơ lụa mới” (NSR) - tập trung vào Afghanistan cùng các nước láng giềng và dự án “Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” nối Nam Á và Đông Nam Á, trong đó Ấn Độ sẽ là một bên tham gia quan trọng.
Thực tế, các sáng kiến trên đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo trong một bài phát biểu ở TP Chennai, Ấn Độ vào tháng 7-2011. Tại Hội nghị thường niên của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng 9-2011, bà Hillary cũng đã giới thiệu chi tiết về kế hoạch thực hiện NSR, theo đó, lấy Afghanistan làm trung tâm, kêu gọi các quốc gia láng giềng của nước này ủng hộ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, NSR được xem là phương tiện để Afghanistan có thể hội nhập hơn nữa với khu vực bằng cách giúp nước này nối lại các tuyến đường thương mại truyền thống và giúp tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy trong hàng thập kỷ xung đột. Ngân sách dành cho cơ quan phụ trách Nam Á và Trung Á của bộ sẽ hỗ trợ hai sáng kiến này, thông qua các chương trình ngoại giao có ảnh hưởng sâu rộng, nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương với các nước trong khu vực, các nhà tài trợ song phương, các ngân hàng phát triển đa phương, cũng như các khối thương mại khu vực có tiềm năng mang lại sự tăng trưởng và ổn định cho kinh tế Trung Á. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng phát biểu ở Chennai: “Các mỏ khí đốt ở Turkmen có thể giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng của Pakistan và Ấn Độ và mang lại nguồn doanh thu vận chuyển đáng kể cho cả Afghanistan và Pakistan. Đồ gỗ và trái cây từ Afghanistan có thể tìm đường đến các thị trường của Astana, Mumbai và xa hơn thế nữa”.
Giới phân tích cho rằng, Mỹ chủ trương xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế và hệ thống giao thông kết nối toàn bộ khu vực Nam Á, Trung Á với Tây Á lại với nhau. Mục tiêu của Mỹ không chỉ duy trì vị trí lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng tại khu vực vốn được xem là cầu nối của châu Âu và châu Á, mà trên hết, Mỹ luôn tìm đủ mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội hợp tác, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực này. Do đó, động thái này có thể được xem là biện pháp đối phó với sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc thì rất khó khả thi. Ấn Độ nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi với phần lớn lãnh thổ đều tiếp giáp với Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Ấn Độ Dương nằm ở vị trí vô cùng đắc địa, cả về kinh tế, quân sự đến an ninh quốc phòng. Vì vậy, với “tư duy đại Trung Á”, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được Mỹ kéo dài đến tận Ấn Độ - một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Nam Á và là nước thẳng thừng tuyên bố phản đối sáng kiến “ Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Iran cũng đều có những kế hoạch riêng nhằm duy trì ảnh hưởng tại khu vực này.