Những ngày cuối năm khi mùa hoa tam giác mạch vào chính vụ với những cánh đồng bạt ngàn sắc tím, hồng và trắng trải dài bạt ngàn dọc Quốc lộ 4C qua các xã Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Sà Phìn… của Thị trấn Đồng Văn, để ghi lại khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời, đôi bạn trẻ Lê Thúy và Nguyễn Minh Tú (ở Đồng Hới, Quảng Bình) đã không quản ngại khó khăn, đường sá xa xôi lên Cao nguyên đá Đồng Văn thực hiện bộ ảnh cưới tuyệt đẹp, với khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và lãng mạn.
Chia sẻ về bộ ảnh cưới, chú rể Nguyễn Minh Tú cho biết: "Hồi còn sinh viên, tôi đã nhiều lần đi phượt lên Cao nguyên đá Đồng Văn để trải nghiệm những cung đường quanh co, hiểm trở của con đường Hạnh Phúc, băng qua những vùng đất “hoa nở trên đá”, được ghé thăm những bản làng đơn sơ, trò chuyện với dân vùng cao chân chất nơi đây, tôi đã suy nghĩ khi nào cưới vợ sẽ lên đây chụp ảnh cưới. Hôm nay, khi mối tình của chúng tôi đã đơm hoa kết trái, mong muốn của tôi đã thành hiện thực".
Lần tìm những trang tư liệu và hình ảnh được lưu giữ trong Nhà bảo tàng Hạnh Phúc, nằm dưới chân Tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc ngay trên đèo Mã Pí Lèng đệ nhất hùng quan, chúng tôi cảm phục trước ý chí, quyết tâm, sự hy sinh lớn lao của rất nhiều thanh niên xung phong, dân công và bà con các dân tộc ở Hà Giang đã tham gia mở đường Hạnh Phúc. Theo những tư liệu lịch sử, trước năm 1959, từ thị xã (nay là TP Hà Giang) lên đến huyện Mèo Vạc chưa có đường nhựa như bây giờ. Khi đó chỉ có đường mòn gập ghềnh, hiểm trở cho người đi bộ và ngựa thồ hàng, nên người dân nơi đây luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và lạc hậu.
Cách mạng Tháng 8 thành công, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, để miền núi tiến kịp miền xuôi và nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống bà con các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn, tháng 3-1959, Trung ương và Khu ủy Việt Bắc lúc đó đã có chủ trương mở đường Hà Giang - Đồng Văn, để cho 8 vạn người dân vùng cao phía sau Cổng trời Quản Bạ không còn khổ vì không có đường đi lại, sản xuất làm ăn. Ngày 10-9-1959, con đường bắt đầu được khởi công với sự tham gia của hàng ngàn người. Trải qua gần 8 năm với biết bao gian khổ, hy sinh, mất mát của những người tham gia mở đường, ngày 20-3-1965, con đường hoàn thành với điểm đầu là phường Quang Trung, TP Hà Giang và kết thúc ở Thị trấn Mèo Vạc có tổng chiều dài 185km.
Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang chia sẻ, để có được con đường Hạnh Phúc ngày hôm nay, từng mét đường đi qua đều là công sức, mồ hôi, xương máu của hơn 1.000 thanh niên xung phong và gần 1.200 dân công đến từ 8 tỉnh, thành phía Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình và Nam Định, Hải Dương). Thời đó, chỉ với cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ và trong điều kiện làm việc rất khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh và khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, nhưng họ đã thực hiện được hơn 2,24 triệu ngày công với trên 2,8 triệu khối lượng đất đá được xử lý. Càng trân trọng hơn trong thời gian làm đường đã có 14 thanh niên xung phong đã hy sinh.
Trong số gần 200km đường Hạnh Phúc, riêng đoạn đường 21km cuối nối Đồng Văn với Mèo Vạc phải vượt qua đèo Mã Pí Lèng - nóc nhà của Cao nguyên đá là gian khó, vất vả và hiểm nguy nhất. Nhiều người cao tuổi ở địa phương cho biết, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng”, trong tiếng Quan Hỏa nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên Mã Pí Lèng của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của rừng núi nơi đây, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời, hàng trăm thanh niên xung phong thay nhau treo mình trên vách đá đục từng thớ đá, nổ mìn phá đá, để kéo dài con đường thêm từng mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm xà beng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã gia nhập đội cảm tử mà Ban chỉ huy công trường thời đó đã gọi là “Đội Cơ dũng”, để đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của những vách núi sừng sững. Thậm chí, hồi đó trên đỉnh núi đã đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử” mở đường.
Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác xà beng, búa tạ, thuốc nổ, trèo lên vách núi, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, những miếng đá nhỏ bé văng tung tóe, con đường được mở thêm ít mét. Cứ thế ngày qua ngày, họ đã vượt qua tất cả khó khăn thử thách. Với bàn tay, khối óc và sự quyết tâm không biết mệt mỏi, đoạn đường dài 21km treo trên vách đá nối từ Đồng Văn sang đến Mèo Vạc và là điểm cuối của đường Hạnh Phúc đã được hoàn thành, đem lại niềm hạnh phúc, vui sướng vô cùng lớn lao đối với bà con các dân tộc nơi đây.
Đây cũng là thành quả của sự hy sinh lớn lao của rất nhiều người, minh chứng rõ nhất về truyền thống sức mạnh đoàn kết dân tộc, nên đã được Bác Hồ đặt tên là Hạnh Phúc, vì nó mang lại no ấm cho đồng bào các dân tộc nơi địa đầu của Tổ quốc.
Ngày nay, con đường Hạnh Phúc - Quốc lộ 4C nối liền 4 huyện vùng cao của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn là con đường huyết mạch vô cùng quan trọng nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Con đường không chỉ nối liền khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, mà còn nối dài những ước mơ tuổi trẻ được khám phá, chinh phục vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, cũng như giúp cho du khách trong nước và quốc tế yêu quý Hà Giang nhiều hơn. Đến với Hà Giang, đi trên con đường Hạnh Phúc, chúng tôi và mọi du khách đều được khám phá, trải nghiệm các địa danh du lịch, lịch sử trên con đường này, từ cổng trời Quản Bạ, Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự “Vua Mèo”, cho tới phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng rồi chợ tình Khau Vai. Đặc biệt, kể từ năm 2010 khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, tạo đòn bẩy cho du lịch và kinh tế Hà Giang phát triển, giúp du khách từ khắp mọi nơi tới vùng biên cương này tăng đều hàng năm.
Cao nguyên đá từ chỗ lạc hậu, nghèo nàn ngày nào thì hôm nay ngày một “thay da đổi thịt”. Hàng ngày, trên Quốc lộ 4C có hàng ngàn lượt phương tiện đưa du khách và vận chuyển hàng hóa ngược xuôi trên những cung đường quanh co uốn lượn đẹp như tranh vẽ. Mùa Xuân đang về trên Cao nguyên đá Đông Văn, đây cũng là mùa đẹp nhất đối với vùng cao Hà Giang khi sắc thắm của hoa đào rực rỡ khắp núi rừng, bản làng. Khung cảnh thơ mộng đó cùng với cuộc sống thanh bình kết hợp nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây đã làm nên một vẻ đẹp riêng biệt rất quyến rũ và cũng là điểm tựa vững chắc để thúc đẩy du lịch, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên con đường Hạnh Phúc.