Con đường duy nhất

Sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững đang chuyển từ trạng thái khuyến khích sang bắt buộc đối với doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu.

Nhiều quốc gia phát triển đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn xanh bắt buộc doanh nghiệp thực hiện và cụ thể hóa trong các quy định về điều kiện nhập khẩu hàng hóa. Liên minh châu Âu (EU) đã thể chế tiêu chuẩn xanh cho các hoạt động của nền kinh tế từ tháng 10-2023. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phải đảm bảo các nguyên tắc về tuần hoàn trong sản xuất và thân thiện môi trường. Đồng thời quy định cụ thể về việc hàng hóa nhập khẩu phải đạt chuẩn xanh.

nha-may-giay-xuan-mai-tai-khu-cong-nghiep-hiep-phuoc-huyen-nha-be-san-xuat-giay-cuon-tu-nguon-giay-vun-tai-che-anh-hoang-hung-2482.jpg
Nhà máy giấy Xuân Mai tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) sản xuất giấy cuộn từ nguồn giấy vụn tái chế. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quy định về chuẩn sản xuất xanh này sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, do EU là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do trên thế giới, cũng như là đối tác quan trọng của hầu hết các nước. Việc EU tiên phong sẽ thúc đẩy các đối tác thực hiện tiêu chuẩn xanh này. Lúc đó, doanh nghiệp của một nước bất kỳ phải hướng đến việc đạt chuẩn xanh mới thỏa các điều kiện xuất khẩu.

Việt Nam là một trong số các nước có độ mở nền kinh tế lớn, là thành viên của 19 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với xuất khẩu ngày càng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam có thặng dư thương mại (xuất nhiều hơn nhập) chủ yếu với các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Anh, Canada, Mexico; thâm hụt thương mại (nhập nhiều hơn xuất) với các nước Trung Quốc, Nhật Bản… và ASEAN. Điều đó cho thấy, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Anh, Canada, Mexico… Đây cũng là các quốc gia đi đầu trong thể chế hóa các cam kết về sản xuất xanh, nên doanh nghiệp chậm chuyển đổi sẽ không thể xuất khẩu sang các thị trường này.

Yêu cầu mới về phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở giảm thiểu phát thải, mà còn hướng đến giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên từ môi trường cho các hoạt động kinh tế. Theo đó, quá trình sản xuất hướng đến tiết kiệm tài nguyên từ môi trường cung cấp như nước, năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu... Để tiết kiệm tài nguyên, hệ thống sản xuất phải nghĩ đến các giải pháp tuần hoàn việc sử dụng tài nguyên như thu hồi nước thải, năng lượng xử lý lại để tái sử dụng; giảm thiểu phế liệu hoặc sử dụng phế liệu để làm phụ phẩm; các chất thải phải được thu hồi và tái chế…

Hệ thống sản xuất hướng đến việc tiết kiệm và thu hồi tái sử dụng được gọi là sản xuất tuần hoàn, dựa trên nguyên lý cơ bản là tiết kiệm tài nguyên và tái sử dụng, tái chế, sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm, phân loại và xử lý rác thải trong các quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Sản xuất tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, mà coi chất thải là tài nguyên, đảm bảo vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Nói cách khác, các doanh nghiệp cần chú trọng 4 nguyên tắc chủ đạo (4R) của sản xuất tuần hoàn gồm: Giảm phát thải, Tái sử dụng, Tái chế và Sửa chữa trong các quy trình sản xuất khác nhau để làm cho chúng sạch hơn, xanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Khách hàng đang thay đổi lối sống và tiêu dùng theo hướng có trách nhiệm hơn trước những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Họ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Vì thế, doanh nghiệp phải sáng tạo mô hình kinh doanh mới với việc sử dụng công nghệ đột phá giúp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên.

Tin cùng chuyên mục