Từ ấp “bốn không”
Trong ký ức của ông Phạm Thế Viên (83 tuổi, người đã bám đất, bám ấp trên 30 năm) và người dân ấp 4, xã Mã Đà, cuộc sống trước đây gặp nhiều khó khăn do thiếu điện - đường - trường - trạm. Những năm qua, dù nhà ở “sát vách” Nhà máy Thủy điện Trị An, gia đình ông vẫn thắp đèn dầu, nấu bếp củi. Không có điện, đường đi chỉ là lối mòn, 7 người con của ông cũng thất học, cuộc sống cứ vậy xoay quanh cánh rừng và lòng hồ Trị An để kiếm con tôm, con cá mưu sinh qua ngày.
Ông kể, sau năm 1975, một số hộ gia đình đi xây dựng kinh tế mới, các gia đình làm công việc bảo vệ rừng cho Lâm trường Mã Đà, và những hộ dân thuộc diện phải di dời để xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An đã chọn vùng đất này định cư. Dù được vụ cá nuôi, cây trồng, nhưng do khó khăn trong vận chuyển nên gia đình ông và người dân nơi đây bị thương lái ép giá. Mọi người đều mơ ước một ngày nào đó có được con đường nối với trung tâm hành chính của xã.
Cũng bám trụ với người dân ấp 4 trên 10 năm, cô giáo Trần Thị Thu Lệ cùng 2 thầy, cô khác đang ngày ngày dạy chữ cho 130 học sinh của 5 lớp tiểu học tại điểm trường phân hiệu C3, Trường THCS Mã Đà. Hàng ngày, cô Lệ phải vượt trên 20km từ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu tới lớp. Cô kể, học trò sau khi hết bậc tiểu học, nếu muốn học tiếp lên bậc THCS thì phải dậy rất sớm (có em phải dậy từ 4 giờ sáng do nhà ở sâu hút trong rừng), sau đó phụ huynh đưa ra trung tâm ấp để đón xe về điểm chính ở trung tâm xã. “Nhiều em chăm ngoan, học giỏi, nhưng do khoảng cách đi lại quá xa nên phải chấp nhận nghỉ học”, cô Lệ tiếc nuối.
Nói về khó khăn mà người dân ấp 4 đang gặp, Bí thư Đảng ủy xã Mã Đà Đinh Thị Vân cho biết, ấp 4 có 600 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu. Năm 2021, người dân mới có điện thắp sáng, từ đó đời sống tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, đường sá đi lại vẫn khó khăn. Để ra được trung tâm xã, người dân phải đi qua con đường đất đỏ nằm lọt thỏm giữa cánh rừng già, dài gần 14km, đầy ổ gà, ổ trâu. Mùa khô thì bụi đỏ bay mù mịt, mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt làm người dân thường xuyên bị té xe.
Nguyên nhân lâu nay người dân ấp 4 nằm trong diện “bốn không” (không điện - đường - trường - trạm) là do từ năm 2010, tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời các hộ dân ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ra khu vực khác nên không đầu tư hạ tầng cơ sở ở khu vực này… Sau này, huyện Vĩnh Cửu đề xuất và được tỉnh Đồng Nai chấp thuận ổn định dân cư tại chỗ đối với các ấp, trong đó có ấp 4, nên mới có chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng, tuy nhiên việc thi công tuyến đường vẫn chưa thực hiện được.
Giấc mơ thành hiện thực
Xã Mã Đà thuộc khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam bộ - “Chiến khu Đ”, nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Trong kháng chiến, đây là địa bàn thành lập các đơn vị lực lượng vũ trang lãnh đạo kháng chiến của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông. Nhân dân nơi đây đã đồng cam cộng khổ, nuôi dưỡng, che giấu, dẫn đường cho cán bộ, đảng viên và bộ đội kháng chiến. Gần đây, xã Mã Đà đã có sự phát triển rõ nét, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Hiện xã Mã Đà có hơn 1.000ha xoài, hơn 50 hộ nuôi ba ba với số lượng hàng chục ngàn con. Ngoài 2 cây, con chủ lực là xoài và ba ba, người dân còn đầu tư phát triển mô hình mới, như nuôi cá lồng bè (chủ yếu nuôi cá lăng) cho hiệu quả kinh tế cao.
“Đến hết năm 2022, xã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã Mã Đà đề ra. Người dân trên vùng chiến khu xưa đã cơ bản thoát
cảnh nghèo, nhà nhà quyết tâm vươn lên”, Bí thư Đảng ủy xã Mã Đà Đinh Thị Vân nhấn mạnh. Việc Quân khu 7 phối hợp tỉnh Đồng Nai tổ chức chương trình Xuân chiến sĩ năm 2023 và chọn xã Mã Đà để triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, trong đó có đầu tư mới tuyến đường quân - dân tại ấp 4, sẽ giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Những ngày đầu năm mới 2023, tuyến đường quân - dân vừa được đưa vào sử dụng, với chiều dài 13,8km, tổng kinh phí xây đắp trên 10 tỷ đồng, do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) thi công, đã thực sự đem lại niềm vui cho người dân nơi đây. Trẻ nhỏ không còn phải dậy sớm đến trường. Người lớn phấn khởi đi thăm người thân, khám chữa bệnh và những chuyến xe hàng tấp nập ra vào vận chuyển hàng nông lâm ngư nghiệp của bà con về các chợ đầu mối, xí nghiệp.
Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc bày tỏ, địa phương đặt tên công trình hạ tầng giao thông này là “Con đường tình nghĩa quân - dân” nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 đối với nhân dân xã Mã Đà nói riêng và huyện Vĩnh Cửu nói chung. Huyện sẽ quản lý, sử dụng công trình này thật tốt để góp phần phát triển địa phương.
Rời ấp 4, xã Mã Đà ra về, chúng tôi dạo bước trên con đường thẳng tắp, sạch đẹp, hai bên đường là những hàng cây xanh ngút ngàn, xen lẫn trong đó sắc màu rực rỡ của cờ hoa, tiếng nói cười rộn rã của người dân về tương lai tươi sáng phía trước, và sâu trong trái tim họ là lòng biết ơn đối với những người lính bộ đội Cụ Hồ.
Xuân Quý Mão 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức Chương trình Xuân chiến sĩ. Qua 7 năm thực hiện, chương trình đã có nhiều hoạt động góp phần tô thắm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, thắt chặt tình cảm đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân; tạo không khí đón tết vui tươi, đầm ấm. Năm nay, ngoài hoàn thành tuyến đường cho người dân ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, Chương trình Xuân chiến sĩ còn tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, giải trí và tặng hàng trăm phần quà cho các gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.