Xót xa thương những mảnh đời
Chúng tôi đến ấp 3B xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) tìm thăm nhà ông Trần Văn Dòn - một gia đình có tới 3 thế hệ là nạn nhân chất độc da cam.
Ông Dòn kể về cuộc đời chiến đấu của mình, câu chuyện thường bị ngắt quãng, câu được câu mất: “Tôi đã 75 tuổi, là bộ đội chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ những năm 1962-1970, hiện vẫn đang gánh chịu di chứng chất độc da cam. Con gái là Trần Thị Hằng (33 tuổi) và cháu ngoại là Điền Ngọc Thảo Nguyên (9 tuổi) đều bị mù cả 2 mắt từ lúc mới chào đời do di chứng chất độc da cam. Vợ tôi đã mất vì bệnh tật, nay gia đình chỉ trông nhờ vào con rể đi làm mướn nuôi cả nhà. Tiền trợ cấp chính sách eo hẹp, mà cả 3 người cứ ốm đau, thay phiên đi bệnh viện miết”.
Chị Hằng tâm sự: “Tôi mong sao mọi người trong xã hội giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo như chúng tôi được điều trị, hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà. Đó cũng là sự an ủi và động viên chúng tôi vượt qua tình cảnh khó khăn trong cuộc sống”.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Trần Văn Dòn - có 3 thế hệ là nạn nhân chất độc da cam
Bà Phạm Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi, cho biết: “Gia đình ông Dòn đã được xây nhà tình nghĩa, nhưng nay căn nhà đã xuống cấp, hư dột. Chính quyền địa phương đã cho sửa chữa nhà. Tuy nhiên, bản thân ông Dòn thường xuyên đau bệnh, con gái và cháu ngoại bị mù, tiền trợ cấp hàng tháng theo chế độ nạn nhân chất độc da cam eo hẹp, nên cuộc sống rất khó khăn. Cảnh túng thiếu luôn đè nặng gia đình ông Dòn, 3 người mắc bệnh đều thiếu dinh dưỡng và thuốc men”.
Không chỉ 3 người trong gia đình ông Dòn, mà ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều nạn nhân chất độc da cam đang phải sống đau đớn, cơ cực như vậy. Riêng tại TPHCM, theo thống kê, hiện có 750 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba, tập trung nhiều tại các quận 10, Gò Vấp, Tân Bình và huyện Củ Chi.
Ước mơ xây dựng Làng Cam
Để tìm hiểu về quy trình tẩy độc trong cơ thể giúp nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi đã gặp GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: “Việc tẩy độc trong cơ thể nạn nhân chất độc da cam là điều cần thiết. Trên thực tế, việc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) chăm sóc các trẻ em bị di chứng chất độc da cam tại Làng Hòa Bình đã giúp các em được tẩy độc theo đúng phác đồ điều trị y tế, như tập luyện phù hợp, ăn uống hợp lý, bồi bổ vitamin để nâng cao thể trạng người bệnh vì sức đề kháng miễn dịch của họ vốn rất yếu ớt…”.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các nạn nhân bị nhiễm rất nặng chất độc da cam mà Mỹ đã sử dụng tại miền Nam trong những năm 1961-1970. Để giúp nạn nhân chất độc da cam loại bỏ dần chất độc trong cơ thể, rất cần có một đơn vị chức năng chuyên trách. Được biết, UBND TPHCM đã giao cho do Hội Nạn nhân chất độc da cam TP một khu đất tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) để xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam (Làng Cam). Công trình được khởi công từ tháng 7-2015, nhưng đến nay vẫn đang… “trùm mền”. Vướng mắc trước tiên là vấn đề tài chính, do kinh phí xây dựng hoàn toàn dựa vào các nhà hảo tâm bằng cách huy động tiền ủng hộ từ thiện. Ngoài ra, do bộ máy của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP chỉ có một số nhân sự làm đồng phụ trách, còn toàn bộ đều là tình nguyện viên làm không công, nên việc giao trách nhiệm cho từng cá nhân luôn bị động.
Nói về việc xây dựng Làng Cam, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TPHCM, nhấn mạnh: “Mong Làng Cam sẽ sớm trở thành hiện thực, để chăm lo những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh hóa học để lại. Đó là ước mơ của hơn 20.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có hơn 5.000 cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện đang sinh sống tại TPHCM. Đang có hàng trăm cuộc đời trẻ em bất hạnh bị di chứng chất độc da cam, bơ vơ không nương tựa, cần được đón về chăm sóc, nuôi dưỡng. Không chỉ cấp thiết xây dựng Làng Cam, mà việc thành lập, bồi dưỡng bộ máy nhân sự để duy trì vận hành trung tâm này càng quan trọng hơn. Vì nếu không có đội ngũ chuyên môn với tấm lòng và sự quyết tâm, thì khó có thể thực hiện được việc tổ chức nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam”.