Còn điểm nóng - còn nỗi lo

Năm học mới sắp bắt đầu trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19 với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được các tỉnh triển khai. Đặc biệt tại những địa phương là "điểm nóng" về dịch việc chuẩn bị cho năm học mới lại càng khó khăn hơn, nhất là việc vận chuyển sách giáo khoa, hay thiết bị phục vụ cho việc dạy và học...
Giáo viên Trường Tiểu học xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng dọn vệ sinh để đón học sinh tựu trường. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Giáo viên Trường Tiểu học xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng dọn vệ sinh để đón học sinh tựu trường. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trường mầm non đang trưng dụng làm khu cách ly

Tại Bắc Giang, một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 trước đó, dù hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng đã thông báo đến các trường 3 phương án khai giảng năm học mới.

Một là, nếu dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng truyền thống.

Hai là, nếu dịch diễn biến phức tạp tại một số địa phương, sẽ tổ chức khai giảng trực tiếp kết hợp với trực tuyến, giảm quy mô và số cán bộ giáo viên, học sinh. Với các trường mầm non trưng dụng làm khu cách ly có thể tạm lùi thời gian đưa trẻ đến trường.

Ba là, nếu dịch tiếp tục bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, thì tổ chức khai giảng trực tuyến, sau đó tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình năm học.

Do có phương án cụ thể nên các cơ sở giáo dục không bị lúng túng khi thực hiện. Toàn TP Bắc Giang hiện còn 5 trường mầm non đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, dự kiến được bàn giao lại trước ngày 5-9 để các trường kịp hoàn tất công tác vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại.

Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, thành phố có 28 cơ sở trường học được trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế. Hiện các địa phương đã nhận lại 50% số trường, dự kiến đến ngày 5-9 sẽ hoàn tất bàn giao để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn, sửa chữa…, bảo đảm an toàn để đón học sinh. Tại Sóc Trăng, tỉnh đang nỗ lực sắp xếp để giải quyết 100 điểm trường (chiếm 20% tổng số trường toàn tỉnh) được sử dụng làm khu cách ly phòng chống Covid-19. Khối lượng công việc tương đối lớn, nhưng sẽ cố gắng đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp sẵn sàng đón các em nhập học.

Thiếu thiết bị, lo chất lượng

Dạy - học trực tuyến là nỗi lo rất lớn của ngành giáo dục các tỉnh Tây Nguyên, vùng cao, vì mặt bằng chênh lệch, hạ tầng kỹ thuật, Internet thiếu đồng bộ. Đặc biệt, do địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc mua sắm thiết bị, máy móc cho con học trực tuyến cũng là nỗi lo không nhỏ. Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, qua khảo sát, toàn huyện chỉ 50% học sinh đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến. Số học sinh còn lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ở các xã vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện, trang thiết bị để học theo phương pháp mới này.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cũng cho rằng, việc dạy và học trực tuyến sẽ không đảm bảo chất lượng bằng việc dạy và học trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay thì đó là phương án tối ưu nhất. Bên cạnh việc dạy, giáo viên cần tăng cường làm các video giảng dạy gửi cho học sinh để truyền tải kiến thức kỹ hơn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, việc dạy và học trực tiếp được đảm bảo, các giáo viên sẽ tăng cường bổ sung kiến thức còn thiếu cho học sinh.

Ngày 2-9, ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), cho biết, để chuẩn bị công tác dạy và học trực tuyến, phòng đã chỉ đạo các trường nắm số lượng những em không có thiết bị hoặc có thiết bị nhưng không có kết nối Internet… Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng U Minh là huyện vùng sâu vùng sa, nhiều học sinh ở trong các lâm phần, nên dự báo sẽ có cả ngàn em thiếu thiết bị học trực tuyến.

“Khi có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ vận động để hỗ trợ thiết bị cho những em thật sự khó khăn, gia đình thuộc diện nghèo để có thiết bị kết nối học trực tuyến. Đồng thời, khuyến khích các em học sinh không có thiết bị có thể kết nối với em có thiết bị ở gần nhau cùng chung học, nếu điều kiện phòng chống dịch cho phép”, ông Trần Hoàng Lạc chia sẻ.

Vận chuyển SGK đến học sinh trước ngày khai giảng

Hiện hầu hết sách giáo khoa (SGK) các lớp đã được chuyển đến học sinh trước khi kết thúc năm học (học sinh đăng ký mua qua nhà trường). Riêng SGK lớp 2, 6 (SGK mới), do TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển có phần khó khăn, nên một số khu vực, nhà trường chưa nhận được SGK. Để tháo gỡ tình trạng này, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã thống nhất Sở GTVT phương án phát hành, vận chuyển SGK lớp 2, lớp 6 đến tay học sinh trước ngày khai giảng.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các đơn vị trường học mua hộ SGK cho học sinh phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Trường hợp cha mẹ học sinh không có khả năng mua SGK do hoàn cảnh khó khăn, thì nhà trường sử dụng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn để học tập. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; cha mẹ học sinh, học sinh tự mua theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, tuyệt đối không bắt buộc.

ĐỒNG HÀNH HỌC SINH KHÓ KHĂN

- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân yêu cầu các phòng GD-ĐT trên địa bàn chỉ đạo giáo viên rà soát cụ thể, kỹ lưỡng điều kiện học trực tuyến của từng học sinh, lập danh sách những học sinh không có điều kiện học trực tuyến và cần hỗ trợ thiết bị học. Sở đã vận động được 500 điện thoại thông minh để hỗ trợ cho học sinh thuộc gia đình đặc biệt khó khăn, hộ nghèo không có điều kiện học trực tuyến và sẽ tổ chức trao cho các em trước ngày 13-9.


- Hiện có hơn 2.000 học sinh Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành khác, trong đó có 692 em không đủ điều kiện học trực tuyến phải gửi học tạm ở 34 địa phương khác. Sở đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.


- Các tỉnh Tây Nguyên không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non. Riêng tại Lâm Đồng, đối với bậc tiểu học, địa phương cũng không dạy trực tuyến. Sau ngày tựu trường, các trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tự chủ chương trình, lược bỏ những nội dung trùng lắp, dạy tích hợp liên môn nội dung tương đồng.
mNgày 2-9, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trao học bổng cho 200 em học sinh khó khăn (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng). Học bổng được trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sống tại vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.

Tin cùng chuyên mục