Giới quan sát nhận định, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 của Trung Quốc này cũng khó hoàn thành nghĩa vụ thanh toán một khoản lãi suất khác cho trái phiếu đồng USD kỳ hạn 7 năm sẽ đáo hạn vào ngày 29-9 tới. Liệu hậu quả mà Evergrande để lại có như Lehman Brothers 13 năm trước?
Vay vốn không kiểm soát
Tên đầy đủ của tập đoàn này là Evergrande Real Estate Group, dù được thành lập vào năm 1997 nhưng đã phát triển nhanh chóng và đến năm 2009 đã có mặt trên thị trường chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc). Bên cạnh ngành xây dựng, Evergrande còn đầu tư vào các lĩnh vực như chế tạo xe điện, du lịch, nước đóng chai, bảo hiểm, y tế, Internet… và cả bóng đá. Hiện tại, Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Nhưng trên thực tế, có đến 3,8 triệu lao động phụ thuộc trực tiếp vào các hoạt động của công ty này.
Để đầu tư vào đủ các lĩnh vực nói trên, trong đó bán nhà dự án là mô hình kinh tế chủ yếu, Evergrande chỉ có thể đi vay. Sau nhiều năm vay vốn để đáp ứng tăng trưởng nhanh, tập đoàn Evergrande hiện đang bên bờ vực sụp đổ, ngập trong khoản nợ 300 tỷ USD. Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ gây ra thảm họa lớn, khi mà có tới 1,5 triệu khách hàng đã bỏ tiền ra mua căn hộ còn chưa được xây dựng.
Theo báo Nikkei Asia, ngoài 2 khoản thanh toán lãi suất đồng USD nói trên, Evergrande còn đối mặt với nhiều đợt thanh toán lãi trái phiếu đồng USD kỳ hạn nửa năm đến hạn phải trả trong những tháng tới, như khoản 46 triệu USD đến hạn phải trả vào ngày 29-9 và 721 triệu USD lãi trái phiếu nước ngoài đến hạn trả từ tháng 10 đến tháng 12. Theo Fitch Ratings, còn có một khoản thanh toán lãi 360 triệu USD đến hạn vào tháng 1-2022, cùng đó là khoản 436 triệu NDT đến hạn thanh toán từ giữa tháng 10 đến tháng 1-2022.
Ngày 24-9, New Energy Vehicle Group - đơn vị sản xuất xe điện của Evergrande, cho biết đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng về việc bán một số tài sản ở nước ngoài thiếu ngân quỹ nghiêm trọng. Cũng theo New Energy Vehicle Group, hiện chưa có gì đảm bảo đơn vị này có thể tuân thủ các nghĩa vụ tài chính theo những hợp đồng liên quan.
Hiệu ứng dây chuyền
“Cuộc khủng hoảng” Evergrande đang làm náo động thị trường chứng khoán thế giới những ngày qua, vì lo ngại tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc vỡ nợ sẽ dẫn đến một “cơn bão tài chính” như đã từng xảy ra với ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008.
Cổ phiếu của công ty này trượt dốc nhanh nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Công ngày 20-9. Trong phiên, cổ phiếu của “đại gia” một thời này đã giảm tới 17% và giảm đến 90% kể từ đầu năm nay. Một số trái phiếu Evergrande đang giao dịch ở mức chỉ bằng 1/4 mệnh giá, cho thấy các nhà đầu tư coi việc phá sản hoặc tái cơ cấu là điều gần như chắc chắn. Cổ phiếu của tập đoàn đã mất hơn 4/5 giá trị trong năm nay khi Evergrande thừa nhận cạn kiệt tiền mặt, nợ tiền của nhân viên, nhà thầu, nhà cung cấp, ngân hàng và người mua các sản phẩm đầu tư.
Hoàn cảnh nợ nần của Evergrande cũng liên đới nhiều công ty khác trong quá trình làm ăn chung. Theo đó, cổ phiếu của “gã khổng lồ” bảo hiểm Ping An giảm khoảng 8%; cổ phiếu của một loạt ngân hàng như China Minsheng, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đồng loạt giảm khoảng 5%.
Dấu hiệu của cuộc khủng hoảng Evergrande manh nha xuất hiện từ năm ngoái, khiến Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các biện pháp thắt chặt quản lý, buộc các nhà thầu bất động sản phải cắt giảm bớt khoản vay nợ, cấm bán các dự án bất động sản khi chưa hình thành.
Còn hiện tại, duy trì trật tự xã hội là điều cần được ưu tiên trong bối cảnh đã diễn ra các cuộc biểu tình bởi các nhà đầu tư bán lẻ tại nhiều khu vực của Trung Quốc. Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Evergrande thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ đối với lãi suất ngắn hạn của trái phiếu đồng USD. Cơ quan quản lý nhà ở của Trung Quốc đã tăng cường giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo các khoản tiền được sử dụng để hoàn thành các dự án nhà ở và không bị chuyển hướng để trả cho các chủ nợ. Duy trì việc xây dựng và bàn giao dự án là trọng tâm để giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ hành động trong trường hợp tác động từ vụ phá sản tiềm ẩn lan rộng gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia Philip Tse của Công ty Môi giới chứng khoán BOCOM International Holdings cảnh báo, đà lao dốc nói trên sẽ còn kéo dài hơn nữa nếu giới chức Trung Quốc không đưa ra tín hiệu rõ ràng nào trong vấn đề Evergrande.