Điện thoại cho chị mới biết, bố chị vừa qua cơn thập tử nhất sinh và ông vẫn chưa thể đi lại. Bố từ một người đàn ông ăn sóng nói gió, bỗng mang hồn vía một đứa nhỏ cần sự chăm sóc của hết thảy con cháu trong nhà. Và trong nhà, khi mọi sự dỗ ngon dỗ ngọt đều không thể ép được ông cụ ăn uống, tập đi… thì chính cô con gái đáo để hay ăn to nói lớn, quát tháo giống với tính bố ấy lại là người “trị” được ông bố ra trò.
Những ngày này, hẳn rồi, chị bạn vẫn không có thời gian để lên Facebook “thả thính” dăm ba bài thơ khi vẫn làm việc online, lo quán xuyến gia đình, con cái, còn phải tập đi cho bố. Hôm nọ, trong khoảng thời gian hiếm hoi chị dành cho “phây”, tôi đọc thấy chị kể những bước chân đầu tiên bố tập đi cho chị là trên ngõ nhà dài hun hút lồng lộng vị gió biển.
Ngõ ấy, ngày mấy bận, bố vào ra để đến ruộng muối làm việc, ra biển bắt cá bắt tôm… Ngõ nhà chị tôi đã về rồi và tôi vẫn nhớ hình ảnh ông bố thân thiện, vóc dáng cao lớn, bờ vai hơi gồ lên khi vác cả buồng dừa ông vừa chặt vào để đãi khách. Nghĩ đến hình ảnh dáng vóc, bờ vai ấy dựa hẳn vào người để con gái tập đi, một quãng ngắn thôi cũng đầy nặng nhọc, được bước nào mừng bước ấy; với tôi đó là điều ý nghĩa hơn rất nhiều món quà mùa Vu Lan báo hiếu.
2. Một anh bạn tôi, tuổi ngoài 50, là phó tổng một tờ báo ở TPHCM. Trong những câu chuyện, tôi thường thích nghe anh đôi khi ca cẩm về người mẹ lớn tuổi của mình. Kiểu ca cẩm mà nụ cười tươi hết cỡ, ánh mắt đầy vẻ yêu thương: “Ôi dồi, bây giờ mỗi tuần hai lần anh xếp hàng đi siêu thị thay mẹ”.
Không phải nhà anh không có người phụ giúp, mà hẳn là vì bó rau, con cá do ông con đi xếp hàng mua cho, bà mẹ đang tuổi “cải lão hoàn đồng” mới ưng cái bụng. “Ôi dồi, cụ ra khỏi nhà là con cái phải ba chân bốn cẳng chạy theo, nhỡ cụ có bỗng dưng quên đường còn biết đường kéo về”…
Sự lẫn của người già, những phiền toái kéo theo của tuổi xế chiều có thể khiến những người con hời hợt, thờ ơ khó chịu nhưng lại khiến những đứa con yêu bố mẹ càng thương và hiểu. Cậu bạn tôi có bà mẹ “quái chiêu” hơn, nhất định không nhớ ra con, suốt ngày gọi con là “chú” nhưng sau mỗi câu chuyện lại vẫn nhớ rất hẳn hoi tên con chó cưng: “Thôi nhen, tao đi cho con chó Lu ăn đã”.
Những câu chuyện hàng ngày của bà thường lẫn lộn vào nhau, thời gian và không gian thường rất mù mờ, nhạt nhòa nhưng cậu bạn vẫn thường xuyên điện thoại về với mẹ. “Bà cụ” - cách cậu bạn gọi mẹ mình, nay già lẫn thế thôi, chứ thuở “vàng son” đố mà giấu nổi roi tre của cụ. Giấu đâu mẹ cũng tìm ra được, và dĩ nhiên dù cậu bạn có là đứa chạy nhanh có số má trong đám bạn trạc tuổi mình thì vẫn bị mẹ đuổi kịp đánh không trượt phát nào. Nhiều câu chuyện của mẹ con bạn khiến tôi bật cười, rưng rưng.
Tháng bảy này, có những đứa con như những người bạn của tôi, chẳng ai nhắc chuyện Vu Lan báo hiếu nhưng tôi vẫn hiểu rằng, họ hiểu hơn ai hết quỹ thời gian ít ỏi còn lại bên bố, bên mẹ của mình.
Để rồi, mỗi cuộc điện thoại mỗi ngày (như 364 ngày còn lại) vẫn như nhau, bắt đầu bằng những nỗi niềm yêu thương trong những câu nói đầy giản dị, có khi trêu đùa: “Bố vui không?”, “Bà cụ có gì vui không? Kể nghe coi?”... Bản thân những câu chuyện của họ đã là cành hoa tỏa hương yêu thương trong những ngày tháng bảy Vu Lan.