Lạm dụng quyền của cha mẹ
Dĩ nhiên, sự bồng bột của tuổi mới lớn là đáng trách, song giá như người mẹ tế nhị, khéo léo hơn khi có con ở độ tuổi dậy thì, thì có lẽ đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Thực tế, rất nhiều phụ huynh đã và đang lạm dụng quyền của cha mẹ để kiểm soát con cái một cách thái quá.
Hoàng Mỹ Hạnh, 17 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) kể về thói quen kiểm tra cặp sách, bàn học tập của mẹ mình, điều mà không ít lần đã đẩy em vào tình huống khó xử. Đỉnh điểm là cách đây hơn một năm, khi ấy Mỹ Hạnh đang học lớp 10 và có cảm tình với một bạn trai trong lớp.
“Em viết thư cho bạn nhưng không dám gửi, cứ để hoài trong cặp. Vậy mà mẹ em tìm ra, mẹ không hỏi em mà chủ động liên hệ với mẹ của bạn kia để tìm cách tách tụi em ra. Đấy chỉ là tình cảm đơn phương của em nên khi biết chuyện, bạn ấy tránh mặt em rồi không rõ bằng cách nào, các bạn trong trường đều biết chuyện. Lúc ấy em chỉ muốn chết!”, Mỹ Hạnh tâm sự.
Thời điểm đó, Mỹ Hạnh rơi vào khủng hoảng tâm lý, học hành sa sút, né tránh tất cả mọi người và hay có suy nghĩ tiêu cực. Cũng may, giáo viên tâm lý trong trường biết chuyện và thường xuyên trò chuyện, giúp Mỹ Hạnh lấy lại được cân bằng, tiếp tục học tập.
Ở thời đại hiện nay, giới trẻ có đòi hỏi cao về quyền riêng tư. Ngoài điện thoại, nhật ký, nhiều gia đình có điều kiện còn sắp xếp cho con phòng riêng để có không gian riêng. Song, nhiều phụ huynh thực thi nửa vời, sắp xếp sự riêng tư cho con nhưng lại không cho con được riêng tư.
Đã không dưới 2 lần, Nguyễn Mạnh Cường (16 tuổi ngụ quận 2, TPHCM) phải hét lên “con cũng cần được riêng tư” với cha mẹ mình. Khi lời thỉnh cầu ấy không thành, Cường chỉ còn biết tìm đến các diễn đàn dành cho tuổi teen để than thở về sự ngột ngạt, bức bối ngay trong gia đình, trong căn phòng riêng của mình.
Theo tâm sự của Cường, dù có phòng riêng nhưng ba mẹ cậu lại gắn camera để theo dõi nhất cử, nhất động của con. “Ba mẹ không những vào phòng tôi bất chợt mà còn gắn camera để theo dõi tôi như thể theo dõi một kẻ gian, một tên trộm trong nhà. Phải chăng tôi quá tồi tệ khiến ba mẹ không tin tưởng, đến cả chút riêng tư trong phòng riêng của mình cũng không có”, Cường viết trên diễn đàn.
Rất nhiều bạn trẻ đồng cảm với Cường và cho biết bản thân cũng rất mệt mỏi trước sự can thiệp quá sâu của phụ huynh vào không gian riêng tư của con cái.
Can thiệp phải khéo léo
Bất kỳ ai đã trưởng thành cũng đều từng trải qua độ tuổi “dở ông, dở thằng” nhưng không mấy người đã đi qua mà chịu nhìn lại để đồng hành cùng con mình. Vẫn biết mỗi thời mỗi khác, ở thế hệ trước, độ tuổi này dường như biểu hiện chung là sự ngang bướng đơn thuần; nhưng ở thế hệ hiện nay, mỗi đứa trẻ có những biểu hiện khác nhau. Đứa trầm, đứa trội và hầu hết tâm, sinh lý cũng khác với thế hệ trước. Chính điều đó đòi hỏi phụ huynh phải hiểu từng giai đoạn, phải đặt mình vào giới trẻ thời nay để làm bạn với con.
Anh Phạm Đại Tính (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, ngày anh bắt gặp cậu con trai 11 tuổi cùng nhóm bạn vào tiệm net, thay bằng vào lớp học, anh chọn một vị trí trong quán cà phê ở đối diện tiệm net để quan sát con.
“Nếu tôi xông vào tiệm net hoặc hỏi tội con ngay sau khi về nhà thì với tính cách của con trai tôi, nó sẽ phản ứng. Trong thời gian ngồi đợi con, tôi đặt ra nhiều tình huống và đưa mình vào vị trí của con để cảm nhận. Cuối cùng, tôi chọn cách im lặng vài ngày, chờ ngày rảnh rỗi, tôi rủ con đi câu cá rồi trò chuyện nhẹ nhàng, rằng tôi cũng từng như con nhưng khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra đó là sự lãng phí thời gian, là sai lầm nên giờ tôi không muốn con trai mình đi vào vết xe đổ của ba nó. Từ đó, hầu như mọi chuyện con trai đều tâm sự với tôi như người bạn”, anh Tính cho biết.
Chị Đặng Thanh Phúc (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng cho biết, có con gái vào tuổi dậy thì, dù trong lòng không lúc nào thấy an tâm, sợ con vướng vào chuyện tình cảm mà mất đi sự hồn nhiên; sợ con đi quá giới hạn rồi mất tương lai, nhưng chị vẫn tỏ ra đồng cảm và sẵn sàng “vẽ đường cho hươu chạy” nếu chẳng may con chị yêu sớm.
“Tôi biết, lứa tuổi này, càng cấm yêu thì tụi trẻ càng yêu. Muốn bảo vệ con thì chỉ còn cách đồng hành cùng con”, chị Phúc tâm sự. Bởi vậy mà mỗi khi đưa rước con đi học, chị đều chủ động hỏi con về những mối quan hệ khác giới. Chị cũng chủ động tâm sự và giải thích cho con hiểu, yêu ở tuổi của con cũng là lẽ bình thường, miễn sao tình yêu học trò ấy phải trong sáng, phải là động lực để cả hai cố gắng học tập. Cũng nhờ vậy mà con gái chị rất cởi mở, có chuyện gì cũng tâm sự với mẹ.
Dĩ nhiên, việc làm bạn với con như thế nào, cho con quyền riêng tư đến đâu mà vẫn trong vòng kiểm soát của phụ huynh, mỗi người mỗi cách nhưng chung quy lại, không phải một sớm một chiều mà con cái chịu sẻ chia thật lòng với cha mẹ. Nó đòi hỏi cả một quá trình gần gũi, sẻ chia cùng nhau từ khi con còn nhỏ đến lớn, là hành trình dài mà bất cứ ai làm cha, làm mẹ cũng phải chuẩn bị ngay từ khi có con.