Tôi ở độ tuổi U40, chưa quá già, nhưng cũng không còn trẻ để hiểu hết về con mình, nhưng khi thử một lần tìm hiểu con nghe gì, xem gì và thần tượng ai, tôi quá sức hụt hẫng.
Thấy nhóm bạn con gần đó đang bàn nhau rất hăng say, tôi cũng thử lắng nghe xem con mình đang nói về ai, hóa ra chúng đang nói về thần tượng “Jack sóng gió” nào đó.
Ban đầu tôi nghĩ, chắc chúng đang nói về anh chàng diễn viên người Mỹ đẹp trai trong bộ phim Titanic năm nào. Thế thì cũng được, cha mẹ chúng còn mê nữa là. Nhưng nghe kỹ, “Jack sóng gió” hóa ra không phải là “Jack Titanic”. Thế là tôi tìm hiểu một nhân vật trong showbiz Việt và hỡi ôi với những thông tin mà tôi có được.
Nhiều trang báo cho hay, đây là một thần tượng mới nổi gần đây nhưng đã chảnh, tỏ vẻ ngôi sao khi không thích đứng chung chương trình với ca sĩ “không ưa”; hơn tất cả là thái độ của ca sĩ này khi xuất hiện trong các chương trình đình đám khác.
Tôi cũng cố gắng mở một số clip, bài hát của Jack ra nghe thì thấy cũng bình thường, mặt mũi sáng sủa vừa đủ, ngầu vừa đủ, giọng hát quá đỗi bình dân, đoạn ngân mà các bạn trẻ, trong đó có con mình hâm mộ đến “chết đi sống lại”, cũng bình thường nốt, thậm chí còn giống một ca sĩ quê Hải Phòng tài ít tật nhiều hơi nổi nổi trước đây. Mở phim ngắn gắn với tên tuổi của anh chàng này, thấy cũng nhàn nhạt…
Vậy con tôi yêu mến gì ở Jack và những thần tượng, hot girl, hot boy, tên nửa tây nửa ta, nửa Tàu nửa Hàn nhan nhản khắp các trang mạng thời gian qua? Có lẽ bởi những thần tượng này được tung hô quá đà trên các trang mạng.
Những hot boy, hot girl nhiều khi chỉ vì có cái gì đó “khủng” là đủ lên báo; những ca sĩ sau một đêm lóe sáng nhờ cover (hát lại) một bài hát nào đó đình đám, dù dở tệ nhưng độc lạ, cũng đủ xuất hiện trên báo mạng và trang mạng xã hội.
Và bởi vì gia đình dễ dãi, không quản lý con em mình tiếp cận các trang báo và mạng đó, nên nó dễ đi sâu vào đầu óc bọn trẻ. Tôi thấy ca sĩ Jack, sau “sóng gió” vì bị tố chảnh chọe, đi qua Hàn Quốc quay phim chụp hình gì đó, vẫn được vô số các bạn trẻ ra tận sân bay khóc khóc, cười cười, chia tay tiễn biệt đủ cả. Chứng tỏ, càng “sóng gió”, các thần tượng mới nổi càng nổi thêm, bất chấp tài năng, nhân cách chẳng có.
Tôi cũng không thể bắt con mình hàng ngày theo dõi phim Việt trên truyền hình, rồi yêu mến những nhân vật hay ho ấy. Chẳng qua vì hiện nay, kiếm đâu ra những bộ phim dành cho lứa tuổi con mình, chiếu tầm giờ vàng, giờ bạc để con xem mà say như chúng tôi ngày xưa.
Kiếm đâu ra cậu bé An của Đất Phương Nam một thời mà trẻ em ở miền Nam mê như điếu đổ. Ngày nào, tầm giờ chiếu là ngồi trước tivi say sưa theo từng tình tiết của phim. Hay những bộ phim của VTV một thời về tuổi học trò như 12A - 4H mà chúng tôi mê đắm, tìm hiểu đến lý lịch của từng diễn viên rồi nhớ tới tận giờ này?
Giờ vàng, giờ bạc hiện nay đích thị là giờ “vàng” của nhà đài; còn các hãng phim thì khó kiếm ra những kịch bản gắn kết với thế hệ trẻ đương đại, những câu chuyện mà các cô cậu học trò tuổi mới lớn có thể cảm được và sống trong đó.
Chúng ta đang bắt khán giả trẻ xem các chương trình của người lớn, từ gameshow hát hò, từ phim có hơi hướng bạo lực, nhạy cảm; hay các show dành cho trẻ con nhưng người lớn biến những đứa trẻ tham gia thành những bình hoa di động trang điểm lòe loẹt, hát hò não nề…
Đừng hỏi con chúng ta đang xem gì, mà hãy đặt câu hỏi: Chúng ta đem sản phẩm văn hóa gì đến với con trẻ?