Vài ngày sau, ngày 13-11-2018, trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi “xây dựng một tầm nhìn để một ngày nào đó chúng ta có thể có một quân đội châu Âu thực sự”. Đến ngày 18-4-2019, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn việc thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu trị giá 13 tỷ EUR.
Tuy nhiên, theo Le Monde Diplomatique, châu Âu vẫn còn cả chặng đường dài để đến đích. Hệ thống quốc phòng của châu Âu hiện tại chỉ giới hạn ở việc phối hợp những nỗ lực quốc gia, chứ không tổ chức việc bảo vệ lãnh thổ châu Âu. EU không có lực lượng can thiệp ở mọi nơi, cũng như không có ban chỉ huy quân sự tác chiến, gần như không thể xác định được một chiến lược nhất quán.
Christian Malis, từng là Giám đốc Chiến lược tại Thales (tập đoàn chế tạo vũ khí lớn nhất nước Pháp), cho rằng một dự án quân sự khiêm tốn mang tên “Quốc phòng châu Âu” chỉ giới hạn ở những “sứ mệnh bên ngoài” - hay còn gọi là “sứ mệnh Petersberg” (chủ yếu thực hiện các sứ mệnh nhân đạo, ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình…) và chia sẻ các nhiệm vụ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Về phần mình, Nga có kế hoạch sẽ không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) vào năm 2021. Trên thực tế, từ nhiều thập niên qua, London đã ngăn chặn một cách có hệ thống tất cả các dự án đi ngược lại mục tiêu của NATO hoặc của Washington, như việc thành lập một cơ quan tham mưu thường trực EU hay việc mở rộng Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA). Vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo đang quyết tâm thay đổi tình hình hiện tại.
Nhưng phần lớn các dự án của châu Âu chỉ nằm trên giấy. Thỏa thuận về Quỹ Quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 nói trên vẫn cần được đàm phán giữa các nước thành viên. Châu Âu có 178 hệ thống vũ khí, khoảng 20 mô hình xe bọc thép, 3 loại máy bay chiến đấu…
Hiện tại, chức năng của cơ quan tham mưu EU chỉ dừng ở việc thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện mà không có quân đội thường trực sẵn sàng chiến đấu. Trong 13 năm tồn tại, các nhóm chiến đấu - mỗi nhóm gồm 1.500 binh sĩ và cứ nửa năm được quay vòng 1 lần - chưa từng một lần ra chiến trường, và các chiến dịch quân sự chủ yếu được thiết kế sẵn giờ đây có lẽ không thể tiếp tục được triển khai do thiếu phương tiện. Việc sản xuất và mua sắm thiết bị chưa có sự đồng thuận.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy rằng Pháp và Đức tuy là những trụ cột của nền quốc phòng chung châu Âu, nhưng không có cùng văn hóa quân sự cũng chẳng có lập trường chung trong hoạt động xuất khẩu vũ khí. Ngoài các hiệp ước, người ta chỉ đánh giá cao sự ra đời của Sáng kiến Can thiệp châu Âu (IEI) hiện có 10 thành viên khởi xướng vào ngày 25-6-2018, hướng tới mong muốn xây dựng một “văn hóa chiến lược chung” vốn đang bị thiếu hụt nghiêm trọng cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO, nơi Mỹ đang thống trị nhưng ngày càng ít hỗ trợ các đối tác châu Âu.
Điều quan trọng là dù kịch bản Brexit thế nào đi nữa, có lẽ EU cần tìm cách gắn kết London với hiệp ước quốc phòng và an ninh. Nói như Tổng thống Pháp Macron là cần phải “xác định những nghĩa vụ không thể thiếu của chúng ta trong mối quan hệ với NATO và những đồng minh châu Âu của chúng ta”.